Nức danh hiệu Vàng Sư Tử
Phố cổ Hà Nội vốn được mệnh danh là khu đất vàng, giá đắt đỏ bậc nhất cả nước. Thế nhưng ngôi biệt thự của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh – Phạm Thị Tề vô cùng bề thế với khu khuôn viên rộng rãi, thoáng mát quanh năm. Ngôi nhà biệt thự rộng gần 700m2 ở số 115 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của gia đình cụ Thanh nổi tiếng phố cổ Hà Nội khi bao năm qua vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc đặc biệt.
Ngoài cổng chính ở phố Hàng Bạc, ngôi nhà còn có cổng phụ ở số 6 Đinh Liệt. Vợ chồng cụ Thanh trước đây vốn là chủ hiệu vàng Sư Tử từng nức tiếng giàu có vang bóng một thời ở phố cổ Hà Nội. Sau khi qua đời vợ chồng cụ để lại gia sản cho gia đình các con cháu chung sống. Ngày nay, đây là nơi sinh sống của 7 gia đình với gần 50 nhân khẩu.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Giao (81 tuổi, con trai trưởng cụ Thanh) kể, vào những năm 40 của thế kỷ trước, đây là một trong những căn nhà lớn nhất nhì khu phố cổ Hàng Bạc. Ở đó, người dân Hà Nội từng chứng kiến công việc buôn bán tấp nập của một hiệu vàng có tên Hiệu vàng Sư Tử.
Theo lời ông Giao, thời đó, miền Nam nổi tiếng với hiệu vàng Kim Thành thì miền Bắc nổi tiếng hiệu vàng Sư Tử. Công việc buôn bán của họ rất đắt hàng, vàng nhiều vô kể. Theo đó, bố mẹ ông Giao sinh được 8 người con, ông Giao là con thứ 4 nhưng từ khi 9 tuổi, mỗi ngày ông đều phải cùng 10 gia nhân tham gia phụ giúp công việc buôn bán của gia đình.
Ngày nào cũng như ngày nào, ông Giao phải đóng gói hàng trăm lạng vàng để xuất khẩu và đi giao hàng cho các nhà buôn trong thành phố. Lúc đó, việc giao nhận hàng không cần phải ký kết giấy tờ gì.
“Có lúc mẹ tôi giao cho khách cả trăm cây vàng cũng chỉ qua miệng chứ không giấy tờ gì. Họ buôn xong sẽ mang tiền đến trả lại mẹ tôi. Hồi đó mọi giao dịch chủ yếu qua lòng tin con người với con người”, ông Giao cho biết.
Gia đình ông Giao vốn quê từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ở làng Châu Khê trước đây nổi tiếng về nghề lọc đãi vàng. Cũng chính vì thế người dân nơi đây tha phương khắp nhiều nơi với nghề làm vàng bạc rồi nổi danh.
Nhớ lại ký ức huy hoàng đã qua, ông Giao kể, thời thanh niên trai trẻ cha ông là cụ Phạm Văn Thanh khôi ngô tuấn tú. Đỗ Tú tài cụ Thanh xin vào cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn nên sống bằng nghề làm vàng rồi lập gia đình với bà Phạm Thị Tề. Cụ Tề lấy chồng khi mới bước sang tuổi 17, lúc đó cụ còn là cô gái xinh đẹp nổi tiếng nghề làm bánh kẹo ở tiệm Hồng Bích thuộc phố Bạch Mai ngày nay.
Sau khi kết duyên, cả hai sinh con gái đầu lòng nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông Thành bàn bạc rồi quyết định đi vào Nghệ An lập nghiệp kiếm kế sinh nhai với nghề làm bánh kẹo gia truyền của gia đình cụ Tề.
“Khi cha mẹ tôi chuẩn bị xong hết hành lý để ra tàu thì một cụ hàng xóm sang hỏi ‘cậu mợ đi đâu?, Cậu nhìn xung quan hàng xóm sống thế nào mình sống thế. Mình có nghề lọc vàng sao không phát huy mà phải đi đâu nữa’. Nghe xong bố mẹ tôi ngẫm rồi quyết định bám trụ lại đây”, ông Giao kể lại.
Nhờ câu hỏi của bà cụ hàng xóm, vợ chồng ông Thanh bàn nhau tìm hướng phát triển với nghề làm vàng bạc. Vốn có tài trí lại thêm tay nghề khéo kéo trong việc làm vàng ông Thanh bàn với vợ ‘liều một phen’ vay vốn làm nhãn hiệu mang tên Hiệu vàng ‘Sư tử’ rồi trình toà công nhận bản quyền.
Thời điểm bấy giờ gia đình ông làm vàng lá đẹp mắt đã thu hút không ít thương buôn, người giàu có lui tới mua. Vàng chủ yếu từ người dân ở các nơi đặc biệt ở Hoà Bình mang về.
Mọi người đổi vàng thô lấy vàng cốt hoặc khách mang vàng thô đến nhờ gia đình ông chế tác lại. Tiền lãi từ việc buôn bán vàng tứ thế nhảy vọt nhanh chóng. Hiệu vàng Sư tử đợt đó vang danh cả khu phố không ai sánh bằng.
Những cái Tết đặc biệt nhuốm màu thời gian
Việc buôn bán thuận lợi chỉ trong vòng 3 năm từ năm 1942 đến 1944 gia đình ông Giao mua liên tiếp 3 căn nhà phố cổ Hà Nội. Căn nào cũng có diện tích hàng trăm mét vuông (gồm 1 căn ở phố Hàng Bạc, 1 căn ở phố Hàng Vôi và 1 căn ở phố Hàng Bè). Năm 1945 gia đình ông bán 3 căn nhà trên để mua căn rộng gần 700m2 ở số 115 phố Hàng Bạc ngày nay. Thời điểm đó việc mua nhà đều trị giá vàng trăm nghìn lượng vàng khiến không ít người khu phố sửng sốt.
“Hồi đó thời kỳ làm ăn đỉnh cao, gia đình tôi mua căn nhà hiện tại đang ở vài nghìn cây vàng. Thậm chí, năm 1953 bố tôi còn sắm xe ô tô sang với giá 100 cây vàng, xe mô tô phân khối lớn Harley…”, ông nói.
Trong nhà ông Giao lúc nào cũng thuê mướn 10 gia nhân làm vàng. Bố mẹ ông cũng nhận những người lang thang cơ nhỡ về hướng dẫn nghề nghiệp. Không ít người làm được dựng vợ gả chồng từ đây như cậu nhỏ lấy cô sen, có người sau thì hoạt động cách mạng.
Mặc dù công việc buôn bán rất bận rộn nhưng ông Giao kể, cậu mợ (cha, mẹ) mình luôn chuẩn bị cho con cái cùng gia nhân một cái Tết rất chu đáo. Vì vậy Tết xưa trong ký ức của ông rất đẹp, thiêng liêng và vô cùng đặc biệt.
“Mặc dù giàu có nhưng bố mẹ tôi sống rất giản dị. Ông bà luôn khuyên các con ý thức trong cuộc sống, có chí tiến thủ. Trước Tết nếu việc học hành của chúng tôi đạt được thành tích tốt thì bố tôi sẽ đưa đi mua sắm. Trong buổi mua sắm đó, chúng tôi thích thứ nào, bố mẹ sẽ cho mua thứ đó. Tuy nhiên mỗi người chỉ được chọn một đến hai món đồ.
Sau đó, chúng tôi sẽ được đi chợ hoa. Khu chợ hoa chỉ có ở phố Hàng Lược chứ không nhiều chợ hoa như bây giờ. Đối với gia nhân, họ đều được sắm sửa quần áo, được nghỉ Tết… Mặc dù chỉ kém bố mẹ tôi vài tuổi nhưng họ luôn coi ông bà như chính bố mẹ đẻ của mình”, ông Giao kể.
Ấn tượng nhất trong ông Giao chính là mâm cơm ngày Tết. Ông Giao cho biết, trong mâm cơm đó có những món mà đến tận bây giờ ông vẫn chưa quên được hương vị của nó.
Ngoài bánh chưng, giò chả, dưa hành, nem, thịt đông, bún thang, mâm cơm ngày Tết của gia đình ông cũng có món canh bóng. Nhưng nếu bát canh bóng trong gia đình bình thường sử dụng bóng bì thịt lợn thì bát canh bóng trong gia đình ông lại sử dụng bóng cá dưa.
Ông Giao giải thích, bóng cá dưa tức là lấy bong bóng của con cá dưa nhồi giò, thịt và hấp sau đó thả vào bát canh. Ngoài ra, trong bát canh bóng bao giờ cũng phải có tôm bao. Tôm bao chính là loại tôm khô, giã ra thành ruốc rồi trộn bột mỳ sau đó cho vào khuôn để nặn thành các hình thù.
“Một món nữa là món măng tây tức là măng nhập của Pháp và thường được bán ở phố Hàng Buồm. Những cây măng dài khoảng 15 cm đựng trong chiếc hộp vuông và nấu với cua bể. Món này ăn ngon không tưởng và đã ăn 1 lần thì không thể nào quên được. Hồi đó nhà nào giàu có mới có món ăn này”, ông Giao kể về thời huy hoàng.
Trong mâm cơm ngày Tết của gia đình ông chủ tiệm vàng nổi tiếng còn món cá chép kho. Ông Giao kể, bố mẹ ông kho cá rất ngon. Cá được kho bằng niêu đất. Nhưng sẽ là rất thiếu sót nếu như trong mâm cơm ngày tết lại thiếu đi bát nước mắm cà cuống.
Ông cho biết, hiện nay, giống cà cuống đã không thấy xuất hiện nữa nhưng vào những năm 50, cứ gần Tết, người bán hàng lại đội trên đầu một thúng cà cuống đã luộc sẵn rồi rao bán khắp phố. Ở thời điểm hiện tại, ông cũng đã từng dày công đi tìm lại thứ nước mắm cà cuống đó tuy nhiên những con cà cuống vốn được bán theo thúng thời xưa thì nay lại hiếm vô cùng.
"May bố mẹ không chiều chuộng chúng tôi"
Sống trong gia đình thương gia giàu có, ông Giao và anh chị em trong nhà không khác gì “cậu ấm, cô chiêu”. Đi đâu cũng có ô tô đưa đón, sống cuộc sống như những ông bà hoàng.
Mặc dù giàu nức tiếng phố cổ một thời nhưng vợ chồng ông Thanh sống vô cùng giản dị, không phô trương. Ông bà luôn căn dặn con cái có chí tiến thủ, tự lập.
“Cha mẹ rất thương con nhưng may không chiều chuộng ai và không cho tiền ăn quà vặt. Đủ 18 tuổi mọi người phải đi làm tự lập cho bản thân, không phải thích đòi cái gì cũng được. Chính vì thế mà anh em trong gia đình tôi luôn tự lập, không sống dựa dẫm vào ai.
Tôi nhớ đúng dịp sinh nhật 18 tuổi của mình, bố tôi ân cần nói ‘Giao ơi nay đi chơi với cậu’. Cụ dẫn tôi ra hàng phở Tư Lùn nổi tiếng Hà Nội ăn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được ăn bát phở ngon đến vậy mặc dù trước đó tôi cũng ăn nhiều đồ ngon khác. Ăn xong cụ dẫn tôi đến quán cà phê Giảng… Những nơi này trước đó khi chưa đủ tuổi chúng tôi không được phép đến”, ông Giao trầm ngâm nhớ lại.
Được cha dẫn đi chơi khi tròn 18 tuổi rồi dặn dò tương lai sau này, ông Giao như được tiếp thêm động lực tự lập bản thân. Ông luôn tự đặt bản thân phải có chí vươn lên tự lập từ chính bàn tay của mình.
"Nghĩ đến giờ phút này tôi cảm thấy mình rất may mắn khi từ nhỏ không được chiều chuộng, tôi vẫn luôn cảm ơn bố mẹ tôi. Ông cụ bảo cơm các con tự ra lấy nhưng lấy bao nhiêu ăn hết cho tới hạt cuối cùng, trong thức ăn không được bới lên, người nào đi vắng nếu báo về nhà đều được để phần. Gia đình có tục lệ cứ sau khi lập gia đình 1 năm ra ở riêng, cùng lắm 3 năm là con cháu tự tách ra ở riêng để lo làm ăn", ông Giao nhấn mạnh.
Tới nay cuộc sống nhiều gia đình trong căn nhà biệt thự vẫn giữ được nếp như trước đây. Nhà có công việc đều cùng nhau lo toan. Mỗi tối Giao thừa gia đình ông Giao đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cùng báo cáo những gì đã làm được trong năm vừa qua.
“Tết là lúc mọi người trong gia đình cùng nhau đoàn tụ, sum họp ai đi đâu xa mấy thì xa đều muốn về kề cạnh mâm cơm Tết sum họp. Mọi người cùng chúc mừng nhau tốt đẹp nhất, hy vọng có năm có sự đổi mới, chúc nhau sức khoẻ, có sự phát triển trong năm qua.
Khi đón Tết mọi người nghĩ luôn luôn có sự đoàn kết, xoá đi cái mặc cảm. Mặc dù trong năm có điều không phải với nhau nhưng bao giờ Tết cũng là dịp xoá tan mặc cảm, không tốt đẹp để lập lại quan hệ, chào hỏi. Đó cũng là phong tục tập quán, nét đẹp của của người Hà Nội", ông nói.