Ít ai biết, cũng chính thời điểm bị “tạm giữ” cách đây 12 năm này, đại gia Nguyễn Mười đã từng bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang đang vận chuyển 33 cổ vật của ngư dân trên biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Và đâu chỉ riêng chuyện cổ vật của đại gia Nguyễn Mười, mà hiện nay cuộc chiến chống buôn bán, khai thác trái phép cổ vật của lực lượng Công an, các ngành chức năng tại các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn là tâm điểm của sự quan tâm và nóng dư luận…
Chuyện thật như đùa đại gia 12 năm đi kiện đòi 1.457 cổ vật
Trong giới chơi cổ vật, ông Nguyễn Mười (SN 1956), trú tại 153 Hùng Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng (hiện đã chuyển về trú tại số 19 đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh) nổi danh là một đại gia có số lượng cổ vật độc, lạ, quý hiếm thuộc hàng khủng. Đặc biệt, ông là người rất tâm huyết với ý tưởng mở bảo tàng trưng bày đồ cổ, và cổ vật của xứ Quảng.
Thậm chí, có thông tin cho rằng Nguyễn Mười đã từng mở bảo tàng trưng bày cổ vật tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để khoe với công chúng bộ sưu tập cổ vật hàng khủng của mình. Tuy nhiên, hiện ông đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và luôn đau đáu với “tâm huyết” của mình.
Và thông tin đang nóng dư luận, Công an tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng vừa “trao trả” 27 thùng chứa 1.457 cổ vật (đa phần là đồ gốm sứ cổ) vào ngày 16/9 cho đại gia Nguyễn Mười, lại có nhiều tình tiết ít ai ngờ. Tháng 8/2003, lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện một đường dây chuyên mua bán cổ vật được các ngư dân lặn khai thác từ con tàu cổ bị đắm ngoài khơi thuộc vùng biển Cù Lao Chàm (TP Hội An).
|
1.457 cổ vật đã được các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam trao trả cho đại gia Nguyễn Mười vào ngày 16/9. |
Vào ngày 15/8/2015, ông Nguyễn Mười thuê một ngư dân dùng tàu QN-3237 để ra vùng biển đảo Cù Lao Chàm nơi đang có một số con tàu không số khai thác cổ vật tại khu vực con tàu cổ bị đắm để thu mua 33 cổ vật. Nhưng trên đường quay tàu vận chuyển số cổ vật trên trở về Đà Nẵng, đến khu vực mũi Nghê (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thì tàu của đại gia Mười bị lực lượng Công an Quảng Nam phát hiện, bắt giữ.
Ngoài số 33 cổ vật bị bắt quả tang, thu giữ ngay trên tàu, thì qua kiểm tra hành chính, Công an tỉnh Quảng Nam còn thu giữ 1.484 cổ vật tại nhà ông Mười. Vậy là, toàn bộ số cổ vật thu giữ này ngay lập tức được niêm phong, bảo quản trong 27 thùng lớn và được đưa về Bảo tàng Quảng Nam lưu giữ chờ xử lý.
Tại cơ quan điều tra, đại gia Nguyễn Mười đã cho rằng: Toàn bộ số cổ vật bị thu giữ tại nhà là do ông đã sưu tầm từ hơn 10 năm qua với mục đích mở bảo tàng cổ vật tư nhân, chứ không có mục đích mua bán kiếm lời… Trong số cổ vật thu giữ có 1.457 cổ vật được mua và sưu tầm trước thời điểm ngày 1/7/2000 và 27 cổ vật mua sau ngày này.
Qua xác minh, điều tra và căn cứ theo Luật Di sản năm 2001, cùng các quy định của pháp luật, hành vi của ông Mười không có căn cứ để xử lý hình sự tội “vận chuyển, tàng trữ hàng cấm” nên Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Quảng Nam đã ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự truy tố ông Mười vào ngày 16/8/2004 và miễn trách nhiệm hình sự với ông về tội “vận chuyển, tàng trữ hàng cấm”. Đồng thời ra quyết định tịch thu của ông Mười 33 cổ vật bị bắt quả tang và 27 cổ vật mua sau ngày 1/7/2000.
Ngoài ra, số cổ vật thu giữ tại nhà ông Mười gồm 1.457 cổ vật đựng trong 27 thùng có niêm phong được giao cho UBND tỉnh Quảng Nam xử lý theo thẩm quyền. Rồi sau gần 12 năm gửi đơn đến các cấp chức năng xin cứu xét, thậm chí năm 2009, khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu toàn bộ cổ vật sung công quỹ, ông Mười còn kiện Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ra tòa.
Đến năm 2010, tỉnh Quảng Nam lập hội đồng định giá và xác định số cổ vật của ông Mười trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Cho rằng số tiền quá lớn, không thuộc phạm vi xử lý hành chính, UBND tỉnh chuyển hồ sơ, đề nghị Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh) thụ lý vụ án hình sự. Phòng An ninh điều tra sau đó đề nghị Viện KSND hủy quyết định đình chỉ vụ án, phục hồi điều tra.
Năm 2011, Phòng An ninh điều tra gửi công văn tới UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xử lý, tuy nhiên qua nhiều cuộc họp liên ngành tỉnh này vẫn không có phương án xử lý dứt điểm vụ việc.
Đến tháng 6/2012, UBND tỉnh mới có công văn xác định Quảng Nam không có căn cứ để xử phạt hành chính ông Nguyễn Mười vì việc bắt giữ diễn ra tại Đà Nẵng. Cuối cùng, đến tháng 8/2015, UBND tỉnh Quảng Nam mới có kết luận đề nghị trao trả 1.457 cổ vật vì không có căn cứ xử lý.
|
Quyết định của Viện KSND tỉnh Quảng Nam về việc trao trả 1.457 cổ vật cho đại gia Nguyễn Mười. |
Và ngày 16/9, đại gia Nguyễn Mười đã nhận được quyết định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Chín đã ký trả và nhận 1.457 đồ cổ trao trả nguyên vẹn dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Ngay trong ngày nhận lại “tài sản” của mình, đại gia Nguyễn Mười đã thừa nhận, trong số các cổ vật ông sưu tầm có 60 cổ vật là tài sản quốc gia, vì vậy ông đồng ý bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam lưu giữ mà không có khiếu nại gì thêm…
Cuộc chiến chống “chảy máu” cổ vật vẫn còn dai dẳng
Theo các cơ quan chức năng, vụ việc của đại gia cổ vật Nguyễn Mười chỉ là một trong hàng trăm vụ việc được cơ quan điều tra phát hiện và ngăn chặn trong nhiều năm qua. Hiện cuộc chiến chống khai thác, buôn bán cổ vật tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn dai dẳng và chưa khi nào “nguội”.
Tại tỉnh Quảng Nam, không riêng ở vùng biển Cù Lao Chàm. Vào cuối tháng 8/2013, trước thông tin tại khu vực vùng biển Cửa Lở - Bàn Than (xã Tam Hải, Núi Thành) ngư dân ồ ạt khai thác cổ vật trong các con tàu đắm được phát hiện và đã có nhiều cổ vật được cơ quan chức năng địa phương thu giữ từ ngư dân.
Để bảo vệ, chống việc khai thác, buôn bán ồ ạt cổ vật trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã phải có công văn gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Bảo tàng Quảng Nam, UBND huyện Núi Thành yêu cầu các ngành phối hợp chặt chẽ với Sở VH-TT&DL xây dựng phương án bảo vệ, ngăn chặn người dân khai thác cổ vật trái phép tại vùng biển Tam Hải trong thời gian khảo sát, xác định vị trí tàu cổ đắm.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà triển khai phương án bảo vệ, ngăn chặn ngư dân tìm kiếm cổ vật. Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, những tháng đầu năm 2015 đã không ít lần “thánh địa tàu đắm” Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tái dậy sóng bởi đạo tặc tới săn lùng cổ vật. Thậm chí, những kẻ chuyên khai thác trộm cổ vật còn cải dạng thành ngư dân địa phương để dễ dàng tiếp cận những con tàu cổ bị “phát lộ” này.
Theo phản ánh của người dân địa phương thì, nguyên nhân Bình Châu được gọi là thánh địa tàu đắm, hay thánh địa cổ vật bởi hơn 100 năm trước, ngư dân trong vùng đã nghe ông cha kể về những con tàu đắm dạt vào vùng biển này. Thậm chí, chính các ngư dân đã vớt được vô số gốm sứ trong lúc kéo lưới, và nhiều gia đình vẫn còn giữ vài món đồ vớt được làm kỷ niệm. Cho đến thời gian gần đây, khi ồ ạt người kéo nhau về đây săn tàu đắm, cổ vật thì ngư dân mới chú ý đến giá trị của những món cổ vật này.
Cũng theo ngư dân thì, cứ đến hẹn lại lên, khi gió Đông Nam về, lúc những mảnh gốm sứ vỡ bắt đầu lộ ra dưới lớp cát biển cũng là thời điểm báo hiệu những tháng ngày không yên ả tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Hằng ngày, xuất hiện nhiều chiếc tàu lạ, tàu cá loại nhỏ, còn có một số tàu hút cát chuyên dụng quần thảo quanh vùng biển. Trên các tàu này đều trang bị hệ thống máy bơm hút, thổi cát loại lớn.
Những người có mặt trên các tàu trên đều ăn vận giống ngư dân và có cả thợ lặn chuyên nghiệp. Không chỉ quần thảo ở vùng biển gần bờ thuộc xã Bình Châu mà tại xã Bình Phú (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng xuất hiện ngư dân lạ mang theo phương tiện đến thổi bơm, hút cát và lặn tìm cổ vật. Việc những tàu hút cát cứ ngày đêm gầm rú quanh vùng biển gần bờ, đã gây ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động sản xuất mà sinh hoạt người dân trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng.
|
Đạo tặc “lộng hành” trục vớt cổ vật trái phép tại vùng biển gần bờ xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). |
Đặc biệt, vào ngày 1/8/2015, khi Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi, gồm Sở VT-TT&DL, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền địa phương đã đến hiện trường để kiểm tra tình hình. Thì bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng, các tàu cá công suất nhỏ vẫn hiên ngang dùng máy bơm hút cát, lặn tìm cổ vật ở khu vực cách bờ khoảng 10-15m. Chỉ đến khi lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi xuất hiện, nhóm người và phương tiện này mới bị đánh động, lập tức cho rút hết ống nước, máy bơm lên khỏi mặt nước, rồi nhổ neo chạy trốn mất dạng.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng - Sở VT-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi nhận định: Số cổ vật của tàu đắm tại đây có thể có niên đại từ thời Minh sớm (khoảng thế kỉ XIV-XV). Để ngăn chặn, bảo vệ số tàu đắm có cổ vật này khỏi những hoạt động tìm kiếm, trục vớt trái phép, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản cấm lặn tìm, khai thác cổ vật ở khu vực biển ở xã Bình Châu và cả vùng lân cận cùng huyện Bình Sơn (với tổng chiều dài bờ biển ước tính trên 10km).