Theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 thị trường du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch.
Đặc việt, Việt Nam xếp hạng thấp nhất khối ASEAN về mức độ mở cửa quốc tế (hạng 73/136). Đáng lưu ý, trong 3 nội dung tạo nên chỉ số này, chỉ số "yêu cầu thị thực nhập cảnh" xếp hạng 116/136, thấp nhất trong các nước ASEAN (Philippines hạng 41, Malaysia hạng 25, Thái Lan hạng 21, Lào hạng 18, Singapore hạng 16, Campuchia hạng 5 và Indonesia hạng 2).
Thứ hạng trên rõ ràng đã phản ánh một thực tế thiếu cởi mở của Việt Nam về chính sách thị thực nhập cảnh. Hiện Việt Nam miễn thị thực cho công dân 23 nước thì Brunei miễn visa cho công dân 58 quốc gia, vùng lãnh thổ; Thái Lan miễn cho công dân 61 quốc gia, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn 155; Singapore miễn 158; Indonesia miễn 169. Ngoài ra, các nước đều có chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (e-visa) rất thuận lợi.
Đánh giá về việc ảnh hưởng từ chính sách visa của Việt Nam đến ngành du lịch, tại buổi tọa đàm về "Hạ tầng du lịch - nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh", ông Lương Hoài Nam - Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) từng nhấn mạnh một trong những lý do cản trở du lịch là visa.
Ông Nam kể: "Cách đây 2 năm chúng tôi sang Mỹ gặp một triệu phú để đến chào mời du lịch. Ông ấy nói tôi thuyết trình rất hay, nhưng hỏi ngược lại - Vấn đề là tại sao tôi phải đi du lịch ở một nước như Việt Nam khi mà tôi phải làm thủ tục visa? - Khi bàn về câu chuyện visa, nhiều người nói bỏ đi thì khó quá, có thể giảm từ 45 xuống 25USD, nhưng tôi nói thế này đối với những người giàu 45 hay 25 USD không quan trọng, điều quan trọng là họ không muốn có thủ tục này", ông Nam khẳng định.
Đồng quan điểm với ông Nam, ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty La Palanche Voyages (chuyên đón khách Pháp) cũng cho biết: "Đối với du khách châu Âu, mỗi tour 15 ngày đến Việt Nam chi phí khoảng 1.500 USD thì việc phải thêm 25 USD phí visa không quan trọng, mà quan trọng là họ cảm thấy họ được chào đón, việc đến du lịch Việt Nam rất thuận lợi, xóa được những phiền hà từ thủ tục xuất nhập cảnh".
Thực tế cho thấy, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của WEF nêu rõ, tỷ lệ du khách cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 58% năm 2016. Trong 2 năm 2015- 2016, khoảng 85% các nước đã áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.
Tại Việt Nam, minh chứng rõ nhất là hiệu quả từ việc Chính phủ quyết định miễn thị thực từ ngày 1.7.2015 (thời hạn 1 năm và gia hạn có thời hạn một năm 1 lần) với 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) được. Cụ thể, giai đoạn 2010- 2014, tổng lượng khách du lịch từ thị trường 5 nước Tây Âu đến Việt Nam chỉ tăng trung bình 5,35%/ năm. Tuy nhiên, sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, năm 2016, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 781.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015. Đây là mức tăng được các chuyên gia du lịch đánh giá là rất cao đối với các thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Theo điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 USD. Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016 mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đã mang về cho đất nước hơn 238 triệu USD. Trong khi đó, nếu tính phí visa (25 USD/ người) của cả 781.000 lượt khách năm 2016 thì chúng ta cũng chỉ thu vỏn vẹn 20 triệu USD (chưa bằng 10% tổng thu tăng thêm sau khi miễn).
Rõ ràng, việc miễn visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam đang mang lại những tín hiệu tích cực và cơ hội rất lớn không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho cả nền kinh tế. Số lượng khách du lịch tăng lên sẽ tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ liên quan, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia hàng năm.