Các thương vụ M&A dậy sóng thị trường
Trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, song 2021 lại là năm chứng kiến làn sóng mua bán công ty tài chính với các thương vụ ghi nhận giá trị kỷ luc.
Tiêu biểu có thể kể đến là thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit của VPBank cho đối tác SMBC (Nhật Bản), mang về cho nhà băng này tương đương 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cũng là thương vụ M&A lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021.
Cũng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cuối tháng 8/2021, SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
MSB cũng đang trong quá trình bán toàn bộ 100% vốn tại Công ty Tài chính FCCOM cho đối tác và dự kiến hoàn tất trong năm 2022. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Nhận định về các thương vụ M&A nói trên, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất chấp ảnh hưởng Covid-19, sự thành công của hàng loạt thương vụ M&A trong năm 2021 cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam nói chung, cũng như lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng.
Còn theo đánh giá của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, M&A của ngành tài chính ngân hàng hiện nay tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng, thay vì việc mua nhằm mục tiêu kiểm soát và thâm nhập thị trường.
Kỳ vọng từ làn sóng M&A
Tại công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT, thương vụ bán 49% vốn cho đối tác Nhật Bản vừa hoàn tất vào cuối tháng 10, được xem là giải pháp giúp doanh nghiêp này sớm bứt phá trong cuộc đua chuyển đổi số, mở ra nhiều cơ hội về tình hình huy động vốn và khẳng định uy tín trên thị trường.
Nhìn từ thị trường, nhu cầu vay vốn của người dân (đặc biệt là phân khúc khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng do những rào cản về hồ sơ vay vốn, tài sản đảm bảo…) luôn ở mức cao, thậm chí được dự báo tăng mạnh vào giai đoạn tái thiết sau đại dịch thời gian tới. Với hệ sinh thái hiện hữu, FE CREDIT kỳ vọng sẽ nâng cấp hệ thống quản trị, điều hành theo chuẩn quốc tế, nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.
Ông Kalidas Ghose, CEO FE CREDIT cho biết: “Với sự hợp tác cùng đối tác SBMC- một đơn vị tiên phong công nghệ, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về công nghệ cũng như nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành cùng kinh nghiệm tăng trưởng và phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng trên trường quốc tế. Điều này sẽ giúp FE CREDIT hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, có cơ hội xem xét lãi suất ở mức phù hợp nhất cho khách hàng đồng thời thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng hoạt động lành mạnh và minh bạch”.
Theo đánh giá của giới đầu tư, thông qua thương vụ, FE CREDIT sẽ tận dụng cơ hội này để huy động mới và/hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại của mình để có được nguồn vốn rẻ từ Nhật; giúp cải thiện chi phí huy động vốn, NIM, lợi nhuận, khả năng sinh lời mà không cần phải theo đuổi các sản phẩm và/hoặc phân khúc khách hàng quá rủi ro.
Mới đây trong báo cáo của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service về việc nâng hạng tín nhiệm CFR của FE CREDIT từ B1 lên Ba3, tổ chức này cũng nhận định FE CREDIT sẽ nhận được sự hỗ trợ từ SMBC trong nhiều trường hợp, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro khi công ty phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn (wholesale funding) đồng thời hỗ trợ tính thanh khoản.
Không chỉ FE CREDIT là bên hưởng lợi duy nhất, khoản đầu tư tỷ đô của SMBC được xem là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của Tập đoàn này. Thương vụ kỳ vọng tạo ra sức mạnh cộng hưởng theo cả hai chiều: cùng chia sẻ và tiếp thu bí quyết kinh doanh của mỗi bên.
Đồng thời, giới đầu tư nhận định thương vụ này sẽ giúp SMBC khai thác tiềm năng thị trường Việt Nam và tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Được biết, tập đoàn đã hoạt động gần 20 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính, cùng với tập đoàn mẹ SMFG hỗ trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng với trị giá khoảng 20 tỷ USD.
Qua đó, có thể thấy sức hấp dẫn của ngành tài chính tiêu dùng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng lại, chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng của thị trường sẽ còn dài. Từ đó, thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị công ty tài chính hậu M&A được nâng cao.