Cho đến khi bầu Kiên xuất hiện tại hội nghị tổng kết bóng đá mùa giải 2011 bằng những tuyên bố kiểu “nã đại bác”, dư luận mới biết đến ông bầu với ánh mắt sắc lẹm này có sức mạnh thét ra lửa.
Mệnh lệnh thành nghị quyết
Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), người đại diện pháp luật là ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc, vốn điều lệ lúc thành lập hơn 9.376 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động trung gian tiền tệ và đại lý môi giới bảo hiểm.
ACB có 78 chi nhánh với 222 phòng giao dịch hoạt động khắp cả nước. Thường trực HĐQT của ACB giai đoạn 2008-2012 gồm ông Trần Xuân Giá (Chủ tịch), ông Lê Vũ Kỳ là Phó Chủ tịch; các ông Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang là thành viên (sau thay bằng ông Huỳnh Quang Tuấn).
Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn vào ACB từ năm 1993 và từ tháng 3/1994 đến tháng 1/2008, ông Kiên là Phó Chủ tịch HĐQT ACB. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, ông có chức năng giúp HĐQT ACB thực hiện việc thẩm định các dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Quá trình điều tra, CQĐT chứng minh hành vi cố ý làm trái của Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải trong việc ra chủ trương dùng tiền Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB và một số công ty gửi vào các tổ chức tín dụng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thiệt hại của hành vi này ước tính hơn 718 tỉ đồng.
Trong thời gian từ 2005 đến 2011, Ngân hàng ACB huy động lượng tiền với lãi suất cao, trong khi cho vay lại gặp khó khăn, việc gửi liên ngân hàng cũng không thực hiện được.
Để giải quyết vấn đề này, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động ủy thác cho các tổ chức, cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng.
Chủ trương này được đưa ra trong nhiều cuộc họp của thường trực HĐQT ACB và được cụ thể hóa bằng biên bản do các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang cùng ký. Đáng chú ý, dù việc ký kết là của cả tập thể, nhưng họ chỉ là người thực hiện mệnh lệnh bắt buộc của Nguyễn Đức Kiên.
|
Chân dung Bầu Kiên. |
Kết quả ghi lời khai của các bị can tại CQĐT đều thừa nhận, họ sợ bóng vía ông Kiên nên mọi lời nói của ông đều mang tính nghị quyết, miễn bàn cãi. Trong số đó, có ông Trần Xuân Giá, dù trước đây là Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhưng ở ACB, tất thảy đều phải phục lệnh ông Kiên.
Các bị can khai rằng, chủ trương ủy thác cho nhân viên, công ty gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là do Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc đề xuất, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo thường trực HĐQT ký biên bản ngày 22/3/2010 thông qua chủ trương giao cho tổng giám đốc kiểm soát hạn mức, chỉ đạo thực hiện và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng ACB ký hợp đồng ủy thác cho nhân viên gửi tiền.
Đáng chú ý, để tạo áp lực đối với các thành viên thường trực Hội đồng quản trị, trong các cuộc họp, ông Kiên nắn gân: “Hiện tôi không tham gia gì trong Hội đồng quản trị, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”.
Ông Kiên còn dằn mặt: “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên hội đồng sáng lập đã được quy định trong quy chế hoạt động của hội đồng sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường và cách chức các anh ra khỏi thành viên Hội đồng quản trị”.
Do Nguyễn Đức Kiên là cổ đông lớn của Ngân hàng ACB, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của Ngân hàng ACB trong một thời gian dài nên phát biểu của ông ta cũng giống như mệnh lệnh, tạo áp lực làm cho mọi người ngầm hiểu là không thực hiện theo ý của Kiên là “đi đời”. Vì vậy, các ý kiến của ông Kiên trong các cuộc họp Hội đồng quản trị sau đó đều thành nghị quyết của Ngân hàng ACB, bất luận ai có suy nghĩ nào khác cũng phải chấp thuận ký vào, nếu không muốn ôm cặp về vườn.
Các bị can cũng thừa nhận việc dùng tiền huy động của người gửi để ủy thác cho nhân viên gửi vào các tổ chức tín dụng là sai phạm (Điều 106, Luật Các tổ chức tín dụng) và làm sai lệch thông tin liên quan đến báo cáo huy động tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng. Từ đó làm ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành tiền tệ của ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Việc ACB gửi tiền vượt trần lãi suất cũng vi phạm Thông tư số 02, năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về Nguyễn Đức Kiên và ban điều hành. Đồng thời, việc ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank, bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt cũng đã trực tiếp gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỉ đồng.
Nhắm mắt làm sai
Trong vụ án này, người khiến dư luận băn khoăn là ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Là người từng nắm trọng trách lớn như vậy, ông có đủ kinh nghiệm, hiểu biết để biết mình phải làm gì, vậy vì sao khi tham gia vào ACB để trượt theo đường ray phạm pháp do Nguyễn Đức Kiên cầm trịch, để sa vào vòng tố tụng?
Ông Giá sau khi nghỉ hưu, đến năm 2008 được Nguyễn Đức Kiên và HĐQT ACB mời về làm việc tại ngân hàng này. Theo quyết định chuẩn y chức danh của Ngân hàng Nhà nước đối với thành viên HĐQT ACB thì ông Giá là Chủ tịch HĐQT của ACB.
|
Ông Trần Xuân Giá trước cổng Viện KSND tối cao. |
Là người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB, ông Trần Xuân Giá biết rõ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tiền gửi, các quy định về kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng...
Tuy nhiên, vì muốn bảo vệ các lợi ích cổ đông trong ACB, đặc biệt là trước sự thị uy của Nguyễn Đức Kiên nên dù biết là sai, ông Giá vẫn đồng ý các chủ trương ủy thác cho nhân viên, công ty gửi tiền đồng, USD vào các tổ chức tín dụng và chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu sai quy định.
Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông hơn 256 tỉ đồng, trong khi gây hại cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng.
Thực tế, việc ông Trần Xuân Giá đồng ý chủ trương dùng tiền huy động không sử dụng vào cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đất nước, kinh doanh không nằm trong lĩnh vực được cấp phép mà ủy thác cho tổ chức, cá nhân gửi vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác làm sai lệch hồ sơ tiền gửi.
Hành vi này cũng được xác định là gây rối loạn thị trường tiền tệ, cùng hậu quả vật chất thì hậu quả phi vật chất cũng rất lớn. Do đó, hành vi của ông Trần Xuân Giá cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165, BLHS với vai trò đồng phạm, giúp sức cho bầu Kiên.
Trong khi đó, đối với bị can Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB là người được đào tạo bài bản về quản lý kinh tế, có hiểu biết nhiều về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông Hải cũng có nhiều năm làm quản trị, điều hành ngân hàng, biết rõ các quy định của ngân hàng về hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ nhưng cũng như ông Giá, đã cố ý làm trái để trục lợi.
Vì sao qua mắt cơ quan quản lý?
Như vậy, các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên với các tội danh truy tố (trong đó bị can Kiên ôm tới 4 tội danh) đặt ra bài học lớn về cung cách quản lý, hoạt động tại ngân hàng thương mại.
Việc kinh doanh trái phép của ông Kiên từ việc mượn danh các công ty do ông ta sáng lập (mà chủ yếu là dạng công ty gia đình, do vợ, người thân nội, ngoại đứng chân) cũng như việc lấy đằng này, đắp đằng kia, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy sự thao túng, vô nguyên tắc.
Các công ty ông Kiên lập đều không được phép kinh doanh tài chính, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh bao năm ròng, gây nhiều hậu quả mà vẫn qua mắt cơ quan quản lý?
Câu hỏi đặt ra: Liệu có phải bóng vía ông bầu quyền lực này quá mạnh khiến các cơ quan quản lý lo ngại mà “né” hay có động cơ vụ lợi nào khác? Những hoạt động phạm pháp khổng lồ, gây thiệt hại cả nghìn tỉ mà cái giấy phép không có, bầu Kiên không coi phép tắc ra gì?
Hình ảnh ông Giá và tâm tư của người làm báo
Đắng lòng nhất trong vụ án này chính là sai phạm của ông Trần Xuân Giá. Là người từng giữ cương vị trọng trách lớn trong bộ máy Nhà nước, khi về hưu tham gia vào tổ chức ngân hàng, tài chính lại để cái tài, trí, uy lực của mình bị rơi bõm dưới sự điều khiển của Nguyễn Đức Kiên.
Nhớ lại cái ngày hay tin ông Giá bị khởi tố, báo chí cứ thon thót giật mình, có tin đưa lên rồi rút lại vì không rõ thực hư thế nào, trong khi chính ông Giá cũng phủ nhận việc mình bị khởi tố. Cho tới khi quyết định được nhìn bằng mắt, tất thảy mới ngỡ ngàng. Giờ đây, ông vẫn được tại ngoại do tuổi cao (75 tuổi), lại đang điều trị bệnh ung thư đại tràng. Tuổi già, bệnh lý thì đúng là đáng cảm thông, nhưng hành vi phạm tội thì giải thích thế nào?
Trong cáo trạng của VKSND tối cao, ông Giá bị đề nghị truy tố theo khoản 3, Điều 165, BLHS. Theo khung hình phạt này, ông Giá đối mặt mức án từ 10 năm đến 20 năm. Tôi biết, cuối tuần trước, ông lên VKSND tối cao nhận cáo trạng. Tuổi 75, bước đi chậm rãi, ông đứng lặng khá lâu trước vỉa hè cổng VKSND để bấm điện thoại... Tóc sương gió mấy độ rồi, giờ lại đang vào giá rét, cánh phóng viên chúng tôi trước cảnh ấy cũng tâm tư mà đặng lòng lắm lắm. |