The Elementz Science Project Competition & Exhibition là cuộc thi nghiên cứu khoa học thường niên dành cho học sinh trung học được tổ chức tại Singapore. Cuộc thi năm nay thu hút hơn 100 đội tham dự, đến từ các nước khác nhau trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như: Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam... Lần đầu tiên tham gia, cuộc thi đã mang đến cơ hội tuyệt vời để các em học sinh Vinschool nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế.
|
Các bạn học sinh tự hào nhận giải thưởng tại sân chơi nghiên cứu khoa học quốc tế sau hơn 3 tháng nỗ lực thực hiện nghiên cứu khoa học nghiêm túc. |
Tham dự cuộc thi, các đội đã trải qua vòng thi Thuyết trình - Phản biện trực tiếp với Ban Giám khảo và Triển lãm - Trưng bày mô hình giới thiệu dự án, kêu gọi bình chọn từ người tham dự. Các dự án đều được đánh giá có tính ứng dụng cao, tạo được ấn tượng tốt với Ban Giám khảo và bạn bè quốc tế.
“Trong suốt cuộc thi, chúng em đã cố gắng thể hiện thật tốt. Khi được biết nhóm mình đạt giải Bạc, em cảm thấy rất vui mừng vì công sức của chúng em bỏ ra đã thu lại được thành quả xứng đáng. Qua cuộc thi này em đã học hỏi được rất nhiều điều, em muốn gửi lời cảm ơn đến Trung tâm GATE (Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng) của Vinschool vì đã tạo điều kiện, định hướng cho chúng em thực hiện dự án và có cơ hội tham gia cuộc thi này.” – bạn Tử Minh chia sẻ.
Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia, cả hai dự án đều gây được ấn tượng mạnh với Ban giám khảo về tính ứng dụng cao.
Với mong muốn tạo cơ hội giúp các em học sinh được phát triển tối đa tài năng của mình, Trung tâm Tư vấn và Phát triển Tài năng Vinschool (GATE Center) đã kết nối và giới thiệu các em tham gia nghiên cứu các dự án khoa học cùng các chuyên gia tại Đại học Sư Phạm Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá cao tinh thần, thái độ làm việc cũng như khả năng nghiên cứu khoa học của các em.
Đối với dự án nghiên cứu về loài Ong dú, thông qua quá trình phân tách bằng các phương pháp sắc kí kết hợp như sắc ký côt, sắc ký bản mỏng điều chế trong thời gian gần 1 tháng, các em học sinh đã chiết xuất thành công chất xanthone alpha-mangostin (C24H26O6) với đặc tính kháng khuẩn cao. Việc tách chiết thành công chất kháng khuẩn trên, các em học sinh đã tự tin ứng dụng vào sản phẩm nước súc miệng hàng ngày, tăng khả năng bảo vệ răng miệng và ngăn ngừa các bệnh về răng miệng do vi khuẩn gây ra.
|
Tại Phòng Thí nghiệm của Viện Hóa Sinh Biển – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS. Lê Nguyễn Thành đang hướng dẫn nhóm Tử Minh thực hiện dự án về keo ong dú. |
|
Nhóm học sinh Nguyễn Tử Minh (Lớp 10), Nguyễn Phương Thảo (Lớp 12) đạt Giải Bạc với dự án "Tách chiết nhựa cây trong keo ong dú để nhận diện chất kháng khuẩn làm nước súc miệng". |
Ngoài việc kết nối các em với dự án nghiên cứu khoa học, GATE Center còn tạo điều kiện để các em được học hỏi, hướng dẫn trực tiếp bởi chuyên gia Lê Nguyễn Thành – Tiến sĩ Khoa học chuyên ngành Hóa Dược (Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Thuốc thuộc Viện Hóa Sinh Biển (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam).
Dự án còn lại hướng tới việc phân lập đông trùng hạ thảo, một loại nấm có công dụng như điều hòa miễn dịch, giảm mỡ máu, kháng tế bào ung thư máu…Tuy nhiên hiện nay, các cơ sở sản xuất đang phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu và sử dụng phương pháp nuôi cấy giống từ mô quả thể để duy trì nguồn giống, làm thoái hóa giống, cản trở việc mở rộng quy mô sản xuất và ảnh hưởng đến độ ổn định của sản phẩm.
Phương pháp lai hữu tính trong đề tài nghiên cứu của các bạn học sinh có thể cải tiến giống về mặt di truyền, tạo ra ưu thế lai, từ đó tạo ra và chọn lọc được những cặp lai có năng suất và chất lượng cao, cung ứng cho các cơ sở sản xuất trong nước làm giảm giá thành và tăng sự chủ động về nguồn giống đông trùng hạ thảo chất lượng cao.
Hướng dẫn cho các bạn học sinh Minh Quân, Đức Minh và Quỳnh Trâm là 2 Tiến sỹ tại Khoa Sinh học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội: Tiến sỹ Kỹ thuật Di truyền – Hóa Sinh Lê Thị Tươi (tốt nghiệp Đại học Sun Moon, Hàn Quốc) và Tiến sỹ Di truyền học Nguyễn Xuân Viết, Trưởng Bộ môn Di truyền học (tốt nghiệp Đại học Okayama, Nhật Bản).
|
Tại phòng lên men của Khoa Sinh học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, TS. Lê Thị Tươi đang cùng các em học sinh Vinschool quan sát và phân tích các phôi nấm Đông trùng hạ thảo. |
|
Nhóm Trịnh Minh Quân (Lớp 10), Trần Thị Quỳnh Trâm (Lớp 10), Lê Đức Minh (Lớp 9) đạt Giải Đồng với dự án "Phân lập đông trùng hạ thảo tạo ra giống tối ưu bằng phương pháp lai hữu tính và nuôi cấy mô." |
Lần đầu “ra quân” nhưng các em học sinh bất ngờ nhận được sự đánh giá cao của hội đồng chuyên môn quốc tế. Giải thưởng lớn nhất dành cho các em có lẽ không chỉ dừng lại ở tấm huy chương. Giá trị lớn hơn mà cuộc thi này đem lại chính là giúp các em tự tin thể hiện bản thân mình và được tiếp thêm niềm yêu thích, đam mê nghiên cứu khoa học, sẵn sàng cho những thử thách mới.