Trong bối cảnh sản lượng khai thác tự nhiên có xu hướng suy giảm, cùng với tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraina, trong quý I/2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nỗ lực duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao, tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp tích cực cho kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn phục hồi kinh tế hậu Covid.
|
TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ xây dựng tại NMNĐ Thái Bình 2 |
Ngày 7/4, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 4 năm 2022 trực tuyến với các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả SXKD tháng 3, quý I/2022; đồng thời thảo luận, dự báo các diễn biến mới chính trị, kinh tế vĩ mô, thị trường để chủ động triển khai các giải pháp quản trị, điều hành trong những tháng tiếp theo.
Ba tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị đã trở thành mối quan ngại bên cạnh mối lo về đại dịch Covid-19 dẫn đến sự lạc quan về kinh tế tiếp tục giảm. Xung đột giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp, kéo dài, đã tạo ra một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu: Gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng, giá thực phẩm và năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng cao, điều kiện tài chính dần thắt chặt, áp lực lạm phát...
Với PVN, giá dầu tăng, hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị thuộc lĩnh vực thăm dò, khai thác của Tập đoàn; tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân tăng giá nguyên liệu đầu vào cho các đơn vị thuộc khâu trung và hạ nguồn. Tình hình địa chính trị, các lệnh cấm vận trong thời gian gần đây có những tác động trực tiếp không nhỏ đến các hoạt động của các đơn vị có liên quan trong Tập đoàn như: công tác mua sắm vật tư thiết bị, logistic, đổi ca, lựa chọn đối tác, nhà thầu… các vấn đề thương mại, tài chính, tiền tệ, chi phí tăng cao, nhiều rủi ro.
Được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc với PVN về tình hình năm 2021 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ đến làm việc, chỉ đạo trực tiếp tại Tập đoàn. Chính phủ đã đánh giá cao những thành tích Tập đoàn đã đạt được trong quá trình hình thành, phát triển đặc biệt các kết quả năm 2021 và cũng ghi nhận những khó khăn, thách thức cũng những vướng mắc Tập đoàn đang gặp phải; chỉ đạo tăng cường các giải pháp nhằm gia tăng sản lượng tìm kiếm, thăm dò, khai thác khi giá dầu lên cao và thế giới đang phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Cùng sự chủ động dự báo, điều hành, quản trị biến động, tận dụng, đón đầu cơ hội, các hoạt động trong toàn Tập đoàn đã được tập trung triển khai toàn diện, tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính được giao, tăng trưởng cao so với cùng kỳ. PVN đã nỗ lực thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật, gia tăng sản lượng trong điều kiện cho phép. Khai thác dầu thô tháng 3 đạt 0,95 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch (KH) tháng 3, tính chung quý I đạt 2,74 triệu tấn, vượt 25% KH quý I và bằng 31% KH năm 2022, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là nỗ lực rất lớn của PVN trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế; ảnh hưởng của xung đột chính trị đến công tác triển khai các giải pháp tăng thu hồi, gia tăng sản lượng khai thác của các đơn vị trong Tập đoàn. Cùng với đó, sản lượng xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt KH đề ra. Sản lượng khí, điện luôn đảm bảo cung ứng tối đa cho nhu cầu thị trường. Trong quý I, PVN cung cấp 1,4 tỷ m3 khí cho sản xuất điện, vượt 16,6% so với KH được giao (1,2 tỷ m3).
Với nỗ lực cao trên các mặt hoặt động, trong quý I/2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 197,12 nghìn tỷ đồng, vượt 46% KH quý, tăng 49% so với cùng kỳ 2021; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 29,31 nghìn tỷ đồng, vượt 63% KH quý, tăng 29% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, phần đóng góp của Tập đoàn khoảng 7,7% tổng thu ngân sách Nhà nước trong quý. So với các công ty dầu khí lớn ở Đông Nam Á, biên lợi nhuận của PVN đứng thứ 2, chỉ sau Petronas; mức độ xếp hạng về quản trị, tín nhiệm đứng thứ 3.
Công tác triển khai các dự án điện trong Tập đoàn có nhiều điểm sáng, với những bước chuyển động tích cực, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thành công đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy số 1 vào ngày 23/02/2022. Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã hoàn thành chạy thử nghiệm- đáp ứng đúng yêu cầu/quy định của A0, hiện tại nhà máy đã sẵn sàng vận hành thương mại cả 02 tổ máy. Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 đã ký hợp đồng EPC vào ngày 14/3/2022.
Các công tác, phòng chống dịch Covid -19, an toàn, chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển, liên kết giá trị, quản trị danh mục đầu tư, triển khai văn hóa doanh nghiệp, an sinh xã hội… được triển khai tích cực. PVN chính thức vận hành giai đoạn 1 Hệ thống Quản trị nguồn nhân lực doanh nghiệp ERP tại Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Bổ sung công tác nghiên cứu về hydro xanh, amoniac xanh tại chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn giai đoạn 2021 – 2025. Việc triển khai các chuỗi liên kết trong Tập đoàn được đẩy mạnh…
TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 4 cũng như thời gian tới, Tập đoàn sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, địa chính trị, thị trường, tập trung dự báo, xây dựng các kịch bản để có các giải pháp điều hành chính xác, kịp thời; tăng cường triển khai, nâng cao hiệu quả các chuỗi giá trị, kết nối các lĩnh vực hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao nhất; tập trung tổng hợp, đánh giá, quản trị rủi ro về tài sản, nguồn vốn, tài chính…; Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp; tăng cường quản trị danh mục đầu tư, đặc biệt tập trung các dự án trọng điểm, các dự án lớn, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2022.