Từ “đôi mắt” người khiếm thị đến giọng đọc nhân tạo đầu tiên Việt Nam
Là một trong 2 nữ chủ nhiệm dự án nhận tài trợ của VinTech Fund, xin chị cho biết điều gì đưa chị đến với ý tưởng thành lập Vbee?
Ban đầu mục đích của Vbee là phát triển bộ đọc tiếng Việt cho 2 triệu người mù và thị lực kém tại Việt Nam. Việc này giúp họ thuận tiện hơn trong việc sử dụng máy tính và tiếp cận tri thức giống như người mắt sáng. Slogan của Vbee theo nghĩa hẹp cũng xuất phát từ mục đích ban đầu này: Vietnamese - BE your Eyes. Chúng tôi là đôi mắt của bạn!
Trong thời gian phát triển bộ đọc cho người khiếm thị, chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng giọng đọc nhân tạo ngày một lớn ở nhiều lĩnh vực trên thị trường. Sau hơn 10 năm ấp ủ và dày công nghiên cứu, Vbee đã đưa ra giải pháp, dịch vụ số hoá dữ liệu và nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tập trung chính vào công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói Text-To-Speech với các giọng đọc có ngữ điệu tự nhiên như con người và hội thoại thông minh dành riêng cho tiếng Việt. Việc này giúp giảm thiểu rất đáng kể tình trạng quá tải, tiết kiệm chi phí, nhân lực cho các tổng đài tư vấn tại các ngân hàng, dịch vụ chính sách công...
Nhưng khi phát triển ra khỏi phạm vi là một ứng dụng cho người khiếm thị, Vbee có gì để cạnh tranh được với những ông lớn làng công nghệ như Google, Apple, Amazon… khi họ đã đi trước rất xa?
Công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói Text-To-Speech là một trong những công nghệ cốt lõi của kỷ nguyên giao diện người dùng thoại (VUI - Voice User Interface) trong cuộc cách mạng 4.0. Thế giới đã đi trước, tuy nhiên phải đến Vbee mới là giải pháp lõi và được thương mại hoá thành công đầu tiên dành riêng cho tiếng Việt.
Không chỉ có lợi thế “sân nhà”, Vbee còn quy tụ được những tiến sĩ, kỹ sư nghiên cứu đam mê, được đào tạo và làm việc tại các nước tiên tiến, có nền tảng nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ tiếng nói. Chúng tôi đã thiết kế và sở hữu nhiều bộ dữ liệu tiếng nói tối ưu, có thể bao phủ được các ngữ cảnh và các đặc trưng thanh điệu từng vùng miền của tiếng Việt.
Mặc dù có những tập đoàn lớn cung cấp dịch vụ này nhưng lợi thế của Vbee là có thể phản ứng nhanh, tuỳ biến tốt để có thể nhanh chóng len lỏi và dần dần lấp đầy thị trường ngách. Chính vì thế, đây là một mục tiêu chủ chốt của Vbee trong hiện tại và tương lai gần.
Hiện tại, Vbee chủ yếu được tập trung phát triển để cung cấp dịch vụ cloud API (vbee.vn) cho hàng nghìn cá nhân và các doanh nghiệp có nhu cầu; ứng dụng vào hệ thống chăm sóc khách hàng, tổng đài thông minh (aicallcenter.vn) cho các hệ thống thương mại điện tử, tài chính ngân hàng; các hệ thống nhà thông minh, trợ lý ảo hay các dịch vụ số hoá nội dung.
VinTech Fund sẽ là đòn bẩy cho bước nhảy vọt của Vbee
Được đánh giá rất có tiềm năng và từng nhận được đầu tư lớn, vậy Vbee cần gì từ sự hỗ trợ của VinTech Fund?
Thị trường giọng nói số có giá trị lên tới 49 tỷ USD; giao diện người dùng thoại xuất hiện trong các đồ đạc và thiết bị trong nhà của mọi người. Cùng với sự phát triển của các công nghệ trong thời đại chuyển đổi số và kì vọng của người dùng thì các công nghệ này sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Đặc biệt việc ứng dụng các công nghệ này còn mới mẻ tại Việt Nam, đồng nghĩa thị trường cho Vbee còn rất rộng mở.
Vì thế, với sự hỗ trợ từ VinTech Fund, Vbee đã tìm thấy “mạnh thường quân” giúp Vbee có bước chuyển mình nhanh chóng để trở thành dịch vụ về tổng hợp tiếng nói tiếng Việt được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Hơn nữa, giá trị VinTech Fund mang lại cho Vbee không dừng lại ở việc hỗ trợ về mặt tài chính. VinTech Fund mang đến cho chúng tôi cơ hội tiếp cận hệ sinh thái đa ngành và mạng lưới đối tác vô cùng lớn của Vingroup. Vbee có thể trở thành một phần của hệ thống chăm sóc khách hàng Vinhomes, VinCommerce hay “trợ lý ảo” của điện thoại Vsmart, ô tô VinFast… Đó là những sản phẩm của người Việt, sản xuất bằng trí óc người Việt và tiên phong được sử dụng, phục vụ người Việt. Nói cách khác, VinTech Fund tạo bước khởi đầu mạnh mẽ để các startup công nghệ như Vbee được hoàn thiện mình và đến với người dùng nhanh hơn.
Sau khi nhận được tài trợ từ quỹ VinTech Fund, chị mong muốn Vbee sẽ đóng góp thế nào cho người dùng tại Việt Nam?
Trước mắt, Vbee sẽ nhanh chóng hoàn thiện giải pháp lõi và sản phẩm về tổng đài thông minh của mình, từ đó tiếp tục phát triển các sản phẩm khác có ứng dụng công nghệ tổng hợp tiếng nói tại Việt Nam. Một “trợ lý ảo” thuần Việt, dành riêng cho người Việt là khát vọng mà Vbee hướng tới.
Ngoài ra, Vbee còn được ứng dụng rất rộng rãi trong thời đại công nghệ số. VinTech Fund là bệ phóng giúp Vbee có thể tiếp tục nhanh chóng hiện thực hoá và triển khai nhiều dịch vụ tiềm năng khác trong tương lai có ứng dụng tổng hợp tiếng nói như thuyết minh phim tự động, MC ảo, số hoá bài giảng…Tất cả đều thuần Việt (thậm chí đến từng địa phương), để phục vụ người Việt trước tiên.
Xin cảm ơn chị!
TS Nguyễn Thị Thu Trang là một trong hai nữ chủ nhiệm dự án nhận tài trợ của VinTech Fund. Với trên 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc về tổng hợp tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên Tiếng Việt, TS. Trang là tác giả và đồng sáng lập Vbee với nhiều ứng dụng thực tiễn như trong các hệ thống chăm sóc khách hàng, tổng đài thông minh (aicallcenter.vn, Stringee), nhà mạng (viễn thông), nhà thông minh (như Lumi), báo nói (như ictnews.vn, ngaynay.vn)
Ứng dụng ngôn ngữ Vbee là một trong những công nghệ lõi xây dựng giọng nói nhân tạo tiếng Việt có cảm xúc đầu tiên tại Việt Nam. Dự án vừa nhận được mức tài trợ tối đa 10 tỷ đồng của VinTech Fund trong đợt tài trợ đầu tiên trị giá 86 tỷ đồng cho 12 dự án nổi bật về khoa học, công nghệ.