“Mobile Money là mảnh đất màu mỡ, nhưng phải khai phá nó”

Google News

(Kiến Thức) - Hiện vẫn còn trên 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng và chưa quen với các hình thức thanh toán hiện đại. Nếu Mobile Money cung cấp cho số người dân này phương thức thanh toán tiện lợi thì rõ ràng đây là mảnh đất màu mỡ.

Tuy vậy, theo ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone – một trong ba nhà mạng lớn đang chuẩn bị cung cấp Mobile Money (tiền di động) khi dịch vụ này chính thức được cấp phép, thì để khai thác mảnh đất màu mỡ Mobile Money lại không hề dễ chút nào.
“Mobile Money la manh dat mau mo, nhung phai khai pha no”
 
Mảnh đất màu mỡ
- Nếu nhìn Mobile Money là mảnh đất màu mỡ - như ông nói – thì ngoài dư địa 40% chưa có tài khoản ngân hàng, còn có thể hình dung bằng những tiềm năng cụ thể như thế nào không, thưa ông?
- Thứ nhất nó là xu thế thanh toán và đặc biệt phù hợp với Việt Nam – một thị trường đang phát triển.
Thứ hai, tính tiện dụng của Mobile Money là thanh toán các dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ, như các dịch vụ thiết yếu điện, nước, truyền hình, hay thanh toán tiền ăn sáng, cốc trà đá, mua mớ rau, hộp bánh, rồi thanh toán viện phí, học phí… mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Điều này càng phù hợp với miền núi vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn và những người chưa có điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại, chưa có thẻ ngân hàng.
Nói chung, thay vì phải cầm tiền, cầm ví theo người thì bạn chỉ cần chiếc điện thoại – vốn được xem là vật bất ly thân hiện nay, để thanh toán những dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ, như thế đã thấy thuận tiện đủ đường.
Ngoài ra việc không phải dùng tiền mặt giúp vệ sinh, an toàn, phòng tránh lây lan dịch bệnh. Ở góc độ Nhà nước sẽ góp phần tạo ra một xã hội minh bạch, có thể kiểm soát được chi tiêu, nguồn tiền. Và từ những thông tin minh bạch này sẽ làm cơ sở dữ liệu để phục vụ cho lí lịch tư pháp về sau.
- Nhưng vì sao khai thác mảnh đất màu mỡ này lại quá khó khăn?
- Do hơn 40% số người chưa có tài khoản ngân hàng và được đánh giá là đối tượng của Mobile Money, thì cơ bản đều là những người có thu nhập không cao hoặc không ổn định, chưa từng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, thanh toán hiện đại, nên muốn họ sử dụng Mobile Money cần phải có thời gian dài để giới thiệu, hướng dẫn họ làm quen với dịch vụ.
Do họ chưa bao giờ dùng các phương tiện thanh toán hiện đại, quen với dùng tiền mặt nên việc thay đổi cũng không phải một sớm một chiều.
Rồi việc sử dụng Mobile Money (cụ thể ở đây là các app – ứng dụng) phải thực sự đơn giản, tiện lợi, không mất nhiều công đoạn, thời gian thì mới có thể thu hút nhóm người dùng này được. Khi có được lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, bài toán với các đơn vị cung cấp dịch vụ là phải giữ chân khách hàng để họ trở thành khách hàng trung thành, và từ Mobile Money sử dụng cho nhiều dịch vụ khác.
Tóm lại đây sẽ là bài toán không hề đơn giản đối với các nhà mạng khi triển khai dịch vụ Mobile Money, và quan trọng nhất phải biết khai phá nó thì mới có thể là mảnh đất màu mỡ được.
- Giờ mới triển khai có là muộn?
- Một số đánh giá cho rằng, triển khai Mobile Money ở Việt Nam bây giờ đã là muộn, dù cho dịch vụ còn chưa được cấp phép?
Muộn là đối với thế giới, còn ở Việt Nam để một người quen với thanh toán này cũng không sớm được. Như lĩnh vực ngân hàng phát triển bao nhiêu năm nay mà mới có khoảng 60% người dân có thẻ ngân hàng, và 40% còn chưa quen với dịch vụ thanh toán hiện đại.
Ở các nước Mobile Money không màu mỡ vì công cụ thanh toán của họ quá tốt. Người dân dùng tài khoản ngân hàng từ bé, rồi tích hợp qua điện thoại di động, rất đơn giản. Nhưng ở Việt Nam, thanh toán qua mobile rất mới. Ngân hàng phát triển vẫn chưa được nhiều, nói đúng hơn số lượng dân số chưa có điều kiện tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng vẫn còn quá lớn.
- Nhưng ông có nghĩ dịch vụ Mobile Money khi triển khai sẽ tạo ra sự bùng nổ về doanh thu cho nhà mạng không? Hoặc, khi “mảnh đất màu mỡ” 40% người dân chưa có thẻ ngân hàng theo thời gian sẽ thu nhỏ lại và được “lấp đầy” (tức mọi người hoặc hầu hết đều có thẻ ngân hàng) thì khi đó,”cửa sống” cho Mobile Money sẽ là khó hơn không?
- Không. Cá nhân tôi cho rằng dịch vụ này vẫn sẽ phát triển.
Như tôi nói, Mobile Money là lĩnh vực mới, tiềm năng bởi đây là một phương thức thanh toán tiện lợi mới cho số lượng lớn người dân có nhu cầu được đáp ứng.
Do khách hàng đã trung thành với dịch vụ viễn thông của mình, giờ lại cung cấp thêm nhiều dịch vụ, tính năng và tiện ích mới, trong đó có Mobile Money, thì ngoài việc “a-lô”, khách hàng sẽ sử dụng điện thoại nhiều hơn, quen với dịch vụ thanh toán trên mobile, thì sẽ càng trung thành hơn, do đó ngại thay đổi khi đã quen thanh toán qua mobile.
Còn dịch vụ Mobile Money, thời gian đầu triển khai, sẽ không thể tăng trưởng nhanh được và cũng không thể đóng góp một lượng doanh thu lớn cho nhà mạng. Tuy nhiên, khi thị trường đã được làm quen và Chính phủ có chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì Mobile Money sẽ phát triển tốt hơn.
MobiFone sẽ sớm có ví điện tử và cung cấp dịch vụ Mobile Money
- Được biết trong số 3 nhà mạng lớn đang chuẩn bị để cung cấp dịch vụ Mobile Money thì duy nhất MobiFone chưa có ví điện tử (trung gian thanh toán), mà để được cung cấp Mobile Money thì phải có giấy phép là đơn vị trung gian thanh toán?
- Chúng tôi đã xin giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử) và dự dự kiến trong quý 3 tới thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy phép trung gian thanh toán cho MobiFone.
Với giấy phép trung gian thanh toán này, khi cơ quan quản lý cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Mobile Money chúng tôi sẽ chính thức đưa dịch vụ Mobile Money ra thị trường.
- Nhưng cụ thể, MobiFone đã, đang chuẩn bị, xây dựng hệ thống kỹ thuật, công nghệ để triển khai dịch vụ Mobile Money như thế nào?
- MobiFone đã, đang chuẩn bị các vấn đề liên quan đến hạ tầng, con người, chuẩn bị hệ thống kỹ thuật để đảm bảo cho việc triển khai dịch vụ Mobile Money. Theo đó hạ tầng phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bảo mật bởi đây là công cụ thanh toán nên chắc chắn sẽ giống như hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng. Thứ hai toàn bộ giao dịch, các thông tin của khách hàng được mã hóa.
Về mặt hạ tầng kỹ thuật nói chung phải giống như doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, do vậy phải đầu tư kỹ thuật nhiều để cung cấp dịch vụ này.
Lấy ví dụ, các giải pháp mà MobiFone đang triển khai gồm hệ thống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng, đảm bảo hoạt động liên tục, đảm bảo theo tiêu chuẩn PCI DSS, các giao dịch phải được mã hóa và xác thực, các dữ liệu nhạy cảm của khách hàng được mã hóa, lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch, số dư tài khoản của khách hàng, ban hành các chính sách an toàn thông tin theo cấp độ.
Hay đối với việc định danh, xác thực (KYC) khách hàng, ngoài việc định danh xác thực tại các điểm kinh doanh, MobiFone còn sử dụng các công nghệ hiện đại như AI, sinh trắc học để tự động định danh và xác thực khách hàng, so sánh các thông tin định danh khách hàng cung cấp với cơ sở dữ liệu thuê bao MobiFone, đảm bảo KYC chính xác khách hàng.
Với các giải pháp công nghệ trên, tài khoản Mobile Money của khách hàng không bị mất khi bị mất điện thoại.
Trong khi, đối với nhân sự, ngoài một phần nhân sự từ MobiFone chuyển sang cho dịch vụ mới này thì chúng tôi cũng tuyển thêm nhân sự chuyên về Fintech để hoàn thiện đội ngũ nhân sự.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)