Tại buổi làm việc, Tập đoàn FLC dự định đặt mua 10 máy bay 737 Max 9 và 5 máy bay 777X do Boeing cung cấp. Boeing 737 MAX 9 thuộc dòng máy bay thương mại một lối đi có sức chứa khoảng 185 khách, còn Boeing 777X nằm trong phân khúc máy bay thân rộng, hai động cơ, có sức chở lớn trên 300 hành khách.
|
Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC và đại diễn hãng Boeing thỏa thuận về các điều kiện hợp tác |
Đây đều là những phiên bản máy bay tiên tiến hiện đại, có chỉ số an toàn cao nhất hiện nay của Boe-ing, đồng thời phù hợp với mô hình Hybrid kết hợp cả hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống mà Bamboo Airways hướng tới.
Nếu thương vụ hoàn tất, Bamboo Airways sẽ sở hữu 10 máy bay Boeing 737 Max 9 trong giai đoạn 2018- 2020. Riêng 5 máy bay Boeing 777X sẽ được bàn giao từ 2020 trở đi nhằm phục vụ các đường bay quốc tế.
|
Ông Thomas Creighton - Giám đốc Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Boeing thuyết trình về công năng của hai loại máy bay được FLC lựa chọn |
Phát biểu trong buổi làm việc, ông Thomas Creighton, Giám đốc Marketing Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Boeing bày tỏ mong muốn được hợp tác lâu dài với Bamboo Airways không chỉ trong việc phát triển đội bay mà còn trên nhiều lĩnh vực khác như phát triển thương mại, đào tạo - quản lý bay, truyền thông, pháp lý, thương hiệu và tài chính.
Trước đó, vào cuối tháng Năm vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã công bố nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways.
Thông tin chính thức từ FLC cho biết, Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn....
Chiến lược này vừa nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Việc FLC lên kế hoạch thành lập công ty sở hữu hãng hàng không trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Việt Nam liên tục gia tăng đã thu hút nhiều sự chú ý của báo chí trong nước và quốc tế.
Đầu tháng 6/2017, bên lề roadshow của FLC tổ chức tại Singapore, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - đã trả lời phỏng vấn chính thức Reuters về vấn đề này. Ông cho biết, FLC đang làm việc với nhiều đối tác lớn như Boeing, Airbus trong việc mua sắm trang thiết bị cũng như ký biên bản ghi nhớ mua máy bay. Ngoài ra, Bamboo Airlines cũng xúc tiến xây dựng một bộ máy gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, với kỳ vọng có thể cất cánh trong năm 2018.