Diễn kịch bằng tiếng Anh để chống chứng “ngậm hột thị”

Google News

(Kiến Thức) -Thuộc ngữ pháp nhưng không nói được, thiếu tự tin nên luôn “né” giao tiếp… là “bệnh” của đa phần học sinh Việt Nam khi học tiếng Anh.

Để tiếng Anh không “im lìm” trên trang giấy mà trở thành một “ngôn ngữ sống”, các thầy cô giáo ở trường THCS Vinschool sử dụng phương pháp “dạy tiếng Anh qua kịch nghệ” để chống chứng “ngậm hột thị” của học sinh khi giao tiếp.
Bằng phương pháp này, các học sinh được nhập vai vào nhân vật trong các vở kịch có sẵn hoặc tự tưởng tượng, sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, phát triển câu chuyện, giúp vốn từ vựng và kĩ năng giao tiếp cải thiện nhanh bất ngờ!
Tiết học Tiếng Anh chiều 18/11 của lớp 6A7 – trường THCS Vinshool – trở nên đặc biệt sôi nổi và hào hứng vì phương pháp dạy ngoại ngữ qua kịch nghệ.
6 học sinh trong lớp được cô giáo Phạm Thị Vân Khánh chọn lựa ngẫu nhiên để tham gia một vở kịch tưởng tượng với chủ đề cũng được chọn ngẫu hứng là “Cuộc sống gia đình”. 6 học sinh “nhập vai” khá nhuần nhuyễn và điều đặc biệt gây ấn tượng là toàn bộ câu chuyện của “gia đình” này được các thành viên sáng tạo, tái hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Giờ học tiếng Anh của lớp 6A7 trường THCS Vinschool sôi nổi với những vở kịch do học sinh tự sáng tác. 
Lựa chọn tình huống là mô tả cuộc sống của gia đình ma cà-rồng sống trên đỉnh Everes, trí tưởng tượng phong phú cùng khả năng ngôn ngữ của các em học sinh được bộc lộ mạnh mẽ. Từ cách bắt đầu cho tới cách phát triển, khép lại câu chuyện cho thấy những học sinh này làm chủ được ngôn ngữ và tình huống bởi các em nói không bị vấp váp, sử dụng từ vựng đa dạng, phản xạ nhanh, tư duy logic, có tính sáng tạo cao.
Những tình huống hài hước được “sáng tác” càng khiến câu chuyện thêm hấp dẫn, cuốn cả các học sinh không tham gia diễn kịch hòa vào và đặt những câu hỏi cho “gia đình ma cà-rồng”.
Cô Vân Khánh cho biết dự án dạy ngoại ngữ qua kịch nghệ tại trường THCS Vinshool khiến học trò không chỉ được học tiếng Anh mà bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Anh trong nhiều tình huống khác nhau.
Thầy Christopher Connolly Moynihan, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục Đại học Bristol Anh quốc hiện là người phụ trách CLB Kịch nghệ tiếng Anh của cấp Trung học, cho biết việc học và dạy tiếng Anh qua các vở kịch khiến tiếng Anh trở thành “ngôn ngữ sống động”, được học sinh áp dụng trực tiếp vào cuộc sống chứ không chỉ là ngôn ngữ nằm trên giấy, giúp các em nhớ lâu, phản xạ nhanh, tư duy tốt.
Đồng quan điểm trên, cô Khánh đánh giá: “Có nhiều em rất rụt rè, nhút nhát, nhiều khi ngồi dưới lớp cũng không dám nói, nhưng khi đã vào cùng 1 nhóm và làm việc chung với nhau, bạn nào cũng phải thể hiện, giảm bớt được sự nhút nhát, các kỹ năng cũng được phát triển hơn”.
Vươn lên thể hiện mình
Cô Khánh cho biết bằng cách này, học sinh đã tự nhiên thể hiện mình trên lớp, các bạn ngồi dưới cũng tích cực đặt câu hỏi cho bạn và tham gia nhiệt tình bài giảng.
“Có những phụ huynh đã không cầm được nước mắt khi thấy con mình diễn quá ngọt trên sân khấu và hòa nhập được với các bạn diễn của mình, mặc dù học sinh này mắc chứng tự kỷ nhẹ. Cô giáo cũng nắm bắt được cá tính của từng bạn nên việc phân vai cho các bạn trở nên rất dễ dàng” – cô Khánh cho hay.
Cô giáo Vanessa Costello, giáo viên tiếng Anh, hướng dẫn viên Câu lạc bộ Kịch tiếng Anh của trường Tiểu học Vinschool cho biết cô sử dụng cách “đóng kịch” trong khi dạy tiếng Anh để có thể gần gũi hơn với học sinh, khuyến khích các con lắng nghe, cảm nhận và thể hiện cũng như tự tin hơn khi giao lưu bằng tiếng Anh.
“Việc tham gia CLB Kịch nghệ sẽ giúp các em học sinh tự nhiên thoải mái sử dụng tiếng Anh và quan trọng hơn sẽ khơi gợi các em vui chơi, sáng tạo cùng tiếng Anh, coi đó như một thứ ngôn ngữ thân quen với cuộc sống của bản thân, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các em làm chủ được ngôn ngữ này trong những cấp học cao hơn” – cô Vanessa Costello nói.
Từ hiệu quả mà phương pháp này mang lại cũng như không khí học tập như hiện nay, các học sinh lớp 6A7 đang “ấp ủ” thực hiện 1 vở kịch chung của cả tập thể lớp và hoàn thành vào trước dịp Giáng sinh. Tất cả các bạn trong lớp ai cũng muốn tham gia để có thể cho ra đời một sản phẩm hoành tráng kịp lễ Noel mang về tặng bố mẹ.
“Điểm số chỉ là một phần trên giấy tờ, điều quan trọng hơn là các bạn muốn được vươn lên thể hiện mình và mang lại niềm tự hào cho bố mẹ” – cô Khánh tâm đắc.
PV

Bình luận(0)