COVID-19 và những thay đổi toàn cầu
Đại dịch toàn cầu COVID-19 đang gây ra những thiệt hại khốc liệt khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với một thời kỳ “đại suy thoái” chưa từng có. Ngoài những tổn thất về con người do dịch COVID-19, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã đưa ra cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD trong năm nay. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 còn 2,4%, so với dự báo trước đó là 2,9%. Nếu dự báo này xảy ra, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 2009 và vượt qua ngưỡng suy thoái là 2,5%.
COVID-19 cũng khiến những thương hiệu nổi danh toàn cầu buộc phải thay đổi để trụ vững. Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong mùa dịch, nhãn hiệu thời trang Louis Vuitton đã triển khai sản xuất nước rửa tay và cung cấp miễn phí cho chính quyền Pháp khi đất nước chiến đấu chống lại sự bùng phát của dịch bệnh. Thương hiệu đình đám LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) đã chỉ thị cho bộ phận nước hoa và mỹ phẩm của mình sẵn sàng chuyển đổi sang sản xuất nước rửa tay.\
Tuy nhiên, dịch COVID-19 dù bị xem là đại họa của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn mở ra cơ hội lớn cho sự thay đổi đột phá của công nghệ. Diễn biến phức tạp và dai dẳng của đại dịch COVID-19 đã khiến con người trên toàn thế giới buộc phải thay đổi thói quen, nếp sống và đó cũng chính là cơ hội của công nghệ số. Trực tuyến, online hay chuyển đổi số là những gì đang được nhắc đến nhiều nhất ở thời điểm này trên toàn thế giới.
Mua sắm trực tuyến bùng nổ trên toàn cầu đã tạo ra miếng mồi béo bở cho những doanh nghiệp tiêu dùng. Giữa bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới phải sa thải nhân viên vì khó khăn do đại dịch virus COVID-19 gây ra thì tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon (Mỹ) tuyên bố cần tuyển thêm 100.000 lao động trên toàn nước Mỹ nhằm đáp ứng sự gia tăng mạnh nhu cầu mua sắm trực tuyến.
Các quốc gia khác như Trung Quốc đang dần chuyển sang hình thức không tiền mặt, thay vào đó là sử dụng các nền tảng thanh toán di động hoặc qua mã quét QR như WeChat hay AliPay. Mỹ cũng đang đi đầu xu hướng với mật độ giao dịch qua di động khá cao…
Tại Việt Nam, công nghệ cũng không nằm ngoài xu thế của việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Ông Trương Gia Bình-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ đánh giá, cú hích của COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chưa từng có và bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực. Ngay trong cuối tháng 3/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chỉ thị kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số và tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công nghệ thay đổi xã hội và con người như thế nào?
Thực tế, đến thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành xã hội trong thời gian cách ly xã hội mùa dịch COVID-19.
Theo báo cáo tháng 3 của Ipsos, 57% người tiêu dùng Việt Nam đã chuyển sang mua hàng trực tuyến đối với các mặt hàng mà trước đây họ thường mua tại chỗ. Cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã trở nên khốc liệt và căng thẳng trong vài tuần trở lại đây.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ của mọi lĩnh vực đều chuyển sang hình thức WFH (“work from home” - làm việc tại nhà) để đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên (CBNV) trong mùa dịch. Thậm chí, không chỉ để làm việc, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số để triển khai các hoạt động nội bộ, giúp xóa nhòa khoảng cách và kết nối, gắn kết CBNV trong mùa dịch thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Twitter, Facebook…
Một nhân viên Tập đoàn Sun Group cho biết, cho dù làm việc tại nhà, nhưng cán bộ nhân viên Tập đoàn này không cảm thấy sự xa cách bởi ngoài làm việc online, họp trực tuyến…, họ còn được “sinh hoạt tập thể” qua mạng. Công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách giữa hàng chục ngàn nhân viên của Tập đoàn này trên khắp ba miền, bởi họ có những hoạt động nội bộ khá thú vị. Không tổ chức được các chương trình văn- thể -mỹ dành cho CBNV do COVID-19, Sun Group đã triển khai chiến dịch “Sun Group: Change for future” quy mô toàn tập đoàn trên mạng xã hội.
Chương trình kêu gọi mỗi CBNV chấp nhận một thử thách liên quan đến kiến thức, sức khỏe, văn hóa/văn nghệ… và đăng lên Facebook nhằm lan tỏa tinh thần sẵn sàng chấp nhận thử thách, vượt qua bão COVID-19 trên toàn Tập đoàn. Chiến dịch đã ngay lập tức thu hút hàng nghìn nhân sự tham gia trên mạng xã hội, lan tỏa tinh thần lạc quan, nâng cao sức khỏe, kiến thức và tạo sự gắn kết, gần gũi trong bối cảnh dịch bệnh mà vẫn đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần cách ly xã hội của Chính phủ.
Cách làm này cũng đang được nhiều doanh nghiệp khác áp dụng rộng rãi, không chỉ để khích lệ tinh thần nhân viên mà còn khuyến khích họ tận dụng khoảng thời gian cách ly này để thay đổi tích cực, học hỏi, trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức… mà bấy lâu nay, vì mải mê với sự bận rộn mà nhiều người không thể thực hiện. Nhờ sự thay đổi đó, sau dịch, họ sẵn sàng trở lại công việc với một tinh thần và thể chất khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và đây là điều mà bất cứ người lãnh đạo Tập đoàn, công ty nào cũng đều mong muốn.
COVID-19 không chỉ thay đổi công nghệ, nó thay đổi ngay chính cách chúng ta sống, làm việc và đối mặt với tương lai