Viêm đường tiết niệu là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng có xu hướng phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới.
- Viêm đường tiết niệu là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng có xu hướng phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân chính do vi khuẩn E.coli xâm nhập trực tiếp hoặc qua các dụng cụ, qua đường tình dục dẫn tới. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tổn hại cho thận và hệ tiết niệu. Ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống ít nhiều góp phần cải thiện bệnh.
Nước lọc: Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh viêm đường tiết niệu là dù bạn có dùng các loại thuốc từ Đông đến Tây y nhưng nếu bỏ qua việc bổ sung nước lọc cho cơ thể thì không mang được kết quả tốt. Nước lọc có tác dụng thải độc, thanh lọc cơ thể, giúp quá trình bài tiết của gan, mật tốt. Vì vậy, nó cần được quan tâm hàng đầu, mỗi ngày bạn cần uống 1,5 - 2 lít nước.
Đậu xanh: Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Thành phần dinh dưỡng của đậu có chứa nhiều chất xơ, vitamin E, vitamin K và một số khoáng chất có tác dụng mát gan, giải độc. Để phát huy tác dụng bạn nên để cả vỏ hạt và ninh nhừ với hai cách nấu cháo, chè hoặc đun riêng đậu để lấy nước uống.
|
Đậu xanh, mướp, râu ngô... là những thực phẩm hỗ trợ bệnh viêm đường tiết niệu. |
Mướp: Mướp là một loại quả vừa ngon, bổ, lại mát. Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Thành phần dinh dưỡng của mướp thì chứa nhiều nước, tác dụng tiêu viêm, nên có tác dụng tốt trong phòng và hỗ trợ bệnh viêm đường tiết niệu. Có thể nấu canh ăn, hoặc tốt nhất là ninh nhừ, cho thêm chút mật ong.
Râu ngô và mã đề: Từ xưa, nhân dân ta đã biết dùng râu ngô để giải khát, mát gan. Trong râu ngô có chứa vitamin C và chất saponin, có tác dụng kháng viêm, thanh nhiệt, giúp giải độc, lợi tiểu. Cách đơn giản nhất là dùng râu ngô nấu nước uống hằng ngày. Hoặc bạn có thể kết hợp với mã đề để nấu nước, bởi mã đề có tính mát, chứa nhiều chất kháng sinh giúp chống viêm cho hệ bài tiết.
Ngoài ra, người bệnh cần chế độ sinh hoạt và vệ sinh an toàn. Không nên mặc quần chật, vệ sinh cẩn thận sau khi sinh hoạt tình dục tránh vi khuẩn xâm nhập nhanh...
TS Lê Thị Thanh Nhạn (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)
[links()]