Trà thảo dược tồn dư thuốc BVTV: Tác hại khôn lường

Google News

(Kiến Thức) - Việc kiểm soát không chặt chẽ nhất là tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dễ gây tác hại khôn lường cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Loạn trà thảo dược 
50 mẫu thực phẩm chức năng dạng trà thảo dược được lấy từ 6 tỉnh, thành của miền Bắc là Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định. Trong 50 mẫu được phân tích có 20 mẫu (chiếm 40%) có chưa hóa chất BVTV, trong đó có 7 mẫu đồng thời phát hiện có 2 loại hóa BVTV với hàm lượng rất cao, gấp đến hàng nghìn lần so với giới hạn 0,01mg/kg như cypermethrin 8,0mg/kg, permethrin 2,3mg/kg. 
Đặc biệt, endosulfan sulfat là hóa chất BVTV nhóm clor hữu cơ đã bị cấm sử dụng nhưng vẫn thấy mẫu chứa chất này với hàm lượng 0,011mg/kg... Kết quả này do nhóm nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và trường Đại học Dược Hà Nội công bố. 
Tại thị trường TPHCM, trên nhiều hệ thống siêu thị ở các quận như Gò Vấp, Tân Bình bày bán hàng trăm loại trà thảo dược. Người tiêu dùng như lạc vào ma trận của trà gồm sâm dứa, lài, hương sen, bạc hà, chùm ngây, tía tô, lá sen, khổ qua, hoa cúc, rong biển, atisô... cùng công dụng được ghi như giải nhiệt, mát gan, bổ thận, chống lão hóa, tốt cho tiêu hóa. Có loại trà còn giới thiệu công dụng tốt cho phụ nữ về khí huyết, đẹp da, phòng tránh bệnh phụ khoa. Đa số trà thảo dược ở dạng túi lọc, giá từ vài chục ngàn đồng tới hơn trăm ngàn đồng/loại. 
Không chỉ mục sở thị khi mua sản phẩm tại các siêu thị, nhiều người cũng chuộng mua sản phẩm trên mạng xã hội, vì thế việc biết rõ nguồn gốc, chất lượng cũng khá mập mờ. Chị Nguyễn Thu Hằng (Trương Định, Hà Nội) cho hay, chị biết một người chuyên bán các loại trà thảo dược qua facebook. Họ cho hay sản phẩm được sản xuất từ hoa, lá cây sạch nên rất an toàn. Ngoài ra, tác dụng của các sản phẩm này cũng được thông tin nhiều trên mạng, tác dụng cao nên chị mua dùng. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm có tác dụng thế nào, chất lượng ra sao thì không phải người tiêu dùng nào cũng biết rõ. 
Việc sử dụng trà thảo dược thanh lọc cơ thể đang được nhiều người ưa chuộng. 
Trà "độc"!
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trường Viện Tài nguyên & Môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, cypermethrin và permethrin là thuốc BVTV cùng nhóm, hai loại này dùng để diệt sâu bệnh trên lúa và một số cây nông nghiệp. Cypermethrin là thuốc trừ sâu độc nhóm II nguy hại không những cho động vật mà cho cả con người, nó diệt cả động vật hai mảnh vỏ. Tồn dư lượng hóa chất vượt ngưỡng hàng nghìn lần nguy hiểm cho sức khoẻ, có thể gây ngộ độc cấp tính. 
Các triệu chứng ngộ độc tùy theo liều lượng tiếp xúc, biểu hiện như tiêu chảy, chóng mặt, nôn mửa, khó thở, choáng đầu, co giật, mất nhận thức, lâu dài tích trữ trong gan thận gây ung thư. Đối với hầu hết các thuốc clor hữu cơ đã bị cấm sử dụng nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam, loại này khó phân hủy trong môi trường, gây độc cho hệ thần kinh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Công Ngữ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm, Viện Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, tồn dư thuốc BVTV có thể do ba nguyên nhân. Một, do quá trình trồng người ta phun thuốc để chống sâu phá hoại, cây tăng trưởng tốt. Đáng lẽ phải có thời gian cách ly thì lại thu hái luôn. Nguyên nhân thứ hai không loại trừ là người ta sử dụng thuốc BVTV phun lên cây với liều lượng cao để cây chết khô. Quá trình này nhằm mục đích thu hoạch nhanh, không mất công phơi sấy. 
Ngoài ra, không loại trừ dùng thuốc trừ sâu để bảo quản, tuy nhiên yếu tố này ít xảy ra do có nhiều chất bảo quản không độc bằng xông diêm sinh... Nhưng các đơn vị kém hiểu biết, làm ăn liều, xem thường tính mạng người dân thì không loại trừ việc có sử dụng.   
(còn nữa)
"Các chất hóa học đề cập trong bài viết đều độc hại đối với người tiêu dùng. Chất này đi vào cơ thể, tan vào máu, đọng lại ở mô mỡ gây ngộ độc cấp cũng như gây bệnh về lâu dài. Đặc biệt, các chất này gây độc cho thần kinh, đặc biệt là những người lớn tuổi, bà mẹ mang thai. Thai nhi có thể bị tác động não bộ gây chứng tự kỷ, kém thông minh... thông qua đường máu của mẹ nhiễm độc".
TS Nguyễn Công Ngữ
Hiền Hương

Bình luận(0)