|
Ảnh minh họa. |
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, sau những nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, bước đâu tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang giảm dần. Theo đó, bệnh sốt xuất huyết trong tháng 5 tuy vẫn cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm 4% so với tháng 4. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có gần 3.000 ca sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.
ThS.BS Dũng nhận định, sốt xuất huyết đang trong giai đoạn thấp điểm theo chu kỳ của hàng năm. Tuy nhiên, ở một số quận/huyện như Bình Tân, quận 7, quận Thủ Đức số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vẫn liên tục tăng trong 4 tuần qua. Dự báo, thời gian tới khi bước vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ gia tăng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng nếu không kiểm soát và xóa được các điểm có yếu tố nguy cơ mang mầm bệnh.
Tháng 4, số bệnh nhân tay chân miệng bùng lên dữ dội tại các tỉnh phía Nam trong đó có TP.HCM. Bộ Y tế đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát của loại dịch bệnh này và yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng và dập dịch. Trước những diễn biến khó lường của dịch bênh, ngành Y tế thành phố đã đẩy mạnh tuyền truyền phòng chống, vệ sinh khử khuẩn tại các trường học, khu vui chơi của trẻ.
Sang tháng 5, bệnh tay chân miệng trên địa bàn đã bắt đầu giảm được 2% so với tháng 4. Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng, đây là chuyển biến tích cực cho thấy dịch bệnh đã bị “cầm chân”. Tuy nhiên, nguyên nhân khách quan có thể đã tác động đến tay chân miệng là do tháng 5 các trường mầm non, mẫu giáo đã cho trẻ nghỉ hè nên giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh tại trường học. BS Nguyễn Trí Dũng lo ngại, trong tháng 6, nhiều trường sẽ tổ chức cho trẻ đi học lại, vì thế các trường học và cơ sở y tế địa phương tuyệt đối không chủ quan trong khâu phòng bệnh.
Cùng với sốt xuất huyết và tay chân miêng, dịch sởi trong tháng qua cũng đã giảm xuống 18% so với tháng 4. Đây kết quả khả quan từ việc đẩy mạnh tiêm ngừa vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi. Để hạn chế số trẻ trong độ tuổi lớn hơn bị nhiễm bệnh, thành phố đang tiếp tục triển khai kế hoạch chích ngừa cho trẻ từ 3 đến 10 tuổi, ngành Y tế kỳ vọng, khi vắc-xin ngừa sởi đạt độ bao phủ trong cộng đồng, dịch sởi sẽ được đẩy lùi hoàn toàn.
Để duy trì những thành quả đã đạt được, hạn chế đến mức tối thiểu nguy cơ dịch bệnh gia tăng trở lại, BS Nguyễn Trí Dũng yêu cầu các quận huyện đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh. Dự kiến, từ ngày 10/6 đến ngày 10/7 thành phố sẽ tổ chức tháng vệ sinh môi trường hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6).
Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai thực hiện an toàn tiêm chủng, tiếp tục tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi. Những gia đình có trẻ ở độ tuổi này nếu chưa được tiêm ngừa hoặc không nhớ rõ đã tiêm ngừa vắc-xin sởi hay chưa cần sớm đưa trẻ đến trạm y tế để được tư vấn cụ thể.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố kêu gọi người dân nâng cao ý thức, kết hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong cuộc chiến với các loại bệnh truyền nhiễm. Theo đó, người dân cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, thường xuyên vệ sinh cá nhân bằng các biện pháp rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn và trước khi bế trẻ… Cách ly trẻ mắc bệnh để hạn chế nguy cơ lây lan. Người dân nên phát quang bụi rậm quanh nhà, các vật dụng có khả năng chứa nước không sử dụng đến, khơi thông ao tù nước đọng, thường xuyên ngủ mùng… để hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết từ muỗi gây bệnh.