Xuất huyết đường tiêu hóa là máu chảy ra khỏi mạch máu, mà mạch máu ấy lại nằm trong ống tiêu hoá. Biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đại tiện phân đen. Đây là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi hay gặp nhất là 20 - 50 tuổi. Yếu tố thuận lợi đưa tới xuất huyết tiêu hoá là do thời tiết giao mùa, cảm cúm; dùng một thuốc aspirin, corticoit... hoặc chấn động mạnh tinh thần như quá bực tức...
Tùy tổn thương mà đại tiện máu đen hoặc tươi
Các bệnh có biểu hiện nôn ra máu thường kết hợp với đại tiện phân đen gồm: Loét dạ dày và hành tá tràng, viêm dạ dày, ung thư dạ dày, xơ gan, polyp dạ dày, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, do các các bệnh về máu (bệnh bạch cầu đa sinh cấp và mạn, bệnh suy tuy xương, bệnh máu chậm đông, bệnh chảy máu lâu). Do suy gan thiếu Protrombin, gây chảy máu nhiều nơi trong đó có niêm mạc dạ dày; do một số thuốc có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày gây chảy máu (nhất là khi niêm mạc dạ dày đã bị viêm hoặc loét) như aspirin, các loại axit salixylic, phenylbutazon...
Trường hợp hiếm gặp là do ngộ độc, nhiễm trùng dị ứng, chấn thương sọ não, suy hô hấp, suy thận, bỏng nặng... Ngoài ra, có thể do: Thương hàn (ổ loét ở cuối thường xảy ra chậm sau một thời gian sốt kéo dài. Khối lượng máu thường nhiều và kéo dài, tiến triển theo bệnh, khi bệnh khỏi thì hết đại tiện ra máu. Máu ra cũng có thể đỏ nếu chảy nhanh, nhiều, ồ ạt). Chảy máu do bệnh lý gan mật (gây đứt vỡ mạch máu ở gan và đường mật, áp xe gan, ung thư gan, ung thư đường mật, ung thư bóng Vater, máu chảy qua đường mật xuống ruột gây tiêu máu đen)...
Những nguyên nhân gây đi ngoài ra máu tươi thường là: Trĩ nội (búi trĩ vỡ khi bệnh nhân đi ngoài với biểu hiện máu nhỏ giọt sau khi đi đại tiện). Ung thư trực tràng (tổn thương ung thư tan rã, tổn thương mạch gây chảy máu tươi từng giọt, thành tia). Kiết lỵ (máu lẫn nhầy từ tổn thương ruột); lồng ruột (tổn thương chảy máu từ các đoạn ruột lồng vào nhau). Ngoài ra, ít gặp hơn trong bệnh gồm: Viêm trực, đại tràng chảy máu (phân lẫn máu và mủ). Nhồi máu ruột non do tắc mạch mạc treo (đau quặn bụng dữ dội và tiêu ra máu). Polyp đại, trực tràng (ỉa máu thành giọt, thành tia, soi và chụp đại tràng có thể thấy được). Tình trạng dị ứng (do xung huyết niêm mạc trực tràng)...
|
Đại tiện ra máu vì xuất huyết đường tiêu hoá không chỉ là bệnh lý của dạ dày, gan, mật, do thuốc và ngộ độc... Ảnh minh họa. |
Biết bệnh, điều trị nhanh khỏi
Biểu hiện lâm sàng của xuất huyết đường tiêu hóa là bệnh nhân thường đau thượng vị dữ dội, đột ngột hơn mọi ngày, nhất là có loét hành tá tràng hoặc dạ dày trước khi bị bệnh. Xuất hiện cảm giác cồn cào, nóng bỏng, mệt khó tả, nhất là sau khi uống aspirin hay corticoid. Nhiều người tự nhiên hoặc khi thời tiết thay đổi (nóng sang lạnh hay lạnh sang nóng), sau gắng sức hay không một lý do gì tự nhiên thấy chóng mặt hoa mắt, mệt mỏi, thoáng ngất, lợm giọng, buồn nôn và nôn. Nôn kết hợp hoặc sau nôn, bệnh nhân đi ngoài phân đen: sột sệt, nát lỏng như bã cà phê, mùi thối khắm (như cóc chết); số lượng 100g, 500g, 2 - 3 lần trong 24 giờ.
Đặc biệt, khi bị xuất huyết đường tiêu hóa, người bệnh thường có dấu hiệu mất máu với các biểu hiện như ngất xỉu (vã mồ hôi, chân tay lạnh nổi da gà, da niêm mạc nhợt, có khi vật vã giãy giụa); mạch quay (nhịp tim nhanh, nhỏ 120 lần trong 1 phút), huyết áp tối đa giảm 100 - 90 - 80mmHg, có khi không đo được. Người bệnh thở nhanh, có khi sốt nhẹ 37,5 – 38 độ C, đi tiểu ít, có khi vô niệu.
Điều trị bệnh cần căn cứ vào mức độ xuất huyết tiêu hoá (nhẹ, vừa, nặng). Việc chẩn đoán nguyên nhân góp phần tích cực cho điều trị bệnh triệt để đồng thời giúp cho bệnh nhân biết để đề phòng bệnh.