Những ngày vừa qua, dư luận khá hoang mang khi trên mạng Facebook, một tài khoản mang tên “Bác sĩ Tuấn Ninh” đã đăng nhiều bức ảnh rất ghê rợn về những con đỉa to, kèm ảnh về cuộc phẫu thuật. Bên cạnh những ảnh đó còn có ảnh những gói kẹo với lời kêu gọi mọi người hãy cảnh giác cao độ, “vì loại kẹo này (từ Trung Quốc) đã tràn sang Việt Nam, một bệnh nhân ở Tuyên Quang bị đau bụng do ăn kẹo này.
“Bác sĩ Tuấn Ninh” trên Facebook viết: Các bác sĩ phẫu thuật như tôi đã choáng do thấy trong ổ bụng của bệnh nhân lúc nhúc toàn đỉa. Cách đây không lâu bọn chúng đã mua đỉa đem về sấy khô tán thành bột và làm thành kẹo. Khi loại kẹo này gặp nước đỉa sẽ sống lại và lớn rất nhanh khi được hút máu.
|
Hình ảnh được người này đưa lên facebook khiến dư luận hoang mang. |
Với những thông tin trên, nhất là địa điểm đăng được ghi là tại Bệnh viện Bạch Mai đã khiến nhiều người hiểu rằng, chuyện xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và người viết cũng là bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngay sau khi có thông tin đỉa mổ trong bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã tìm hiểu thông tin, nhân vật đưa thông tin không nằm trong danh sách cán bộ Bệnh viện Bạch Mai. Phẫu thuật viên không có ai đeo khuyên tai, tóc vàng, có hình xăm như người trong hình. Áo của nhân vật mặc có logo của Đại học Y Thái Bình.
"Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Đại học Y Thái Bình để có cách thức nhắc nhở. Thông tin trên Facebook nếu là chuyện cá nhân thì không sao, nhưng đây là đưa thông tin gây hoang mang dư luận, gây bất ổn cho xã hội. Chúng tôi khẳng định chắc chắn, bệnh viện Bạch Mai không có bác sĩ nào tên là Tuấn Ninh.
Hơn nữa, theo các chuyên gia y tế thì trong dạ dày có men tiêu hóa nên dù có ăn phải đỉa, trứng đỉa thì cũng sẽ bị đào thải ra ngoài. Với tin đồn này phải xem xét cẩn thận, rõ ràng, không được hùa theo. Việc cấy trứng đỉa vào thực phẩm để sau đó người ăn có chứa trứng đỉa vào cơ thể, trứng phát triển thành đỉa trong cơ thể người, phá hủy nội tạng là chưa có cơ sở khoa học" - TS Hùng khẳng định.
Trước đó, cũng có nhiều tin đồn về đỉa trong sữa, đỉa trong thịt và các thực phẩm khác. Tuy nhiên, các tin đồn này sau đó đã bị dập tắt.