Mài phun cát không gây độc cho người mặc
Đưa một chiếc quần mài do Trung Quốc sản xuất đến Viện Dệt may, KS Trương Phi Nam, Trưởng phòng Nghiên cứu, đã chỉ ra cho chúng tôi những đặc điểm của công nghệ mài loại quần này. Theo đó, chiếc quần bò trên phải được mài 2 - 3 lần. Một lần đầu mài trắng bằng phun cát tại ống quần, túi. Sau đó một lần mài nữa dành cho toàn bộ thân quần với mài vi sinh cộng đá bọt. Riêng gấu được mài đá để có các vết rạn rách.
Theo KS Trương Phi Nam, quần bò thường được nhuộm bằng thuốc indigo, là loại thuốc nhuộm có độ bền màu kém, chỉ bám vành khuyên bên ngoài bề mặt quần, không ăn sâu vào trong xơ sợi. Sau khi nhuộm, nhằm làm đẹp người ta cho thêm các chi tiết mài.
Mài phun cát là công nghệ sử dụng súng phun cát (cát vàng bình thường với kích cỡ hạt phù hợp) để tạo áp lực cao. Lúc này, độ ma sát của cát cùng thuốc nhuộm kém bền sẽ làm màu quần bị phai. Tuy nhiên, nói công nghệ này gây độc hại cho người mặc quần áo là chưa chính xác.
"Để phun cát cần có các thiết bị như súng bắn cát áp lực cao, buồng phun và xử lý thu hồi cát... Tức khi bắn cần cho quần vào một buồng kín, người đứng dùng súng bắn từ phía ngoài vào trong, sau đó có các công nghệ để giũ cát sạch trên quần và thu hồi cát đó lại. Vì thế, không thể có chuyện cát còn bám dính nhiều trên quần bò khi xuất ra bán để ảnh hưởng đến bệnh bụi phổi cho người mặc. Có thể đây là cách hiểu sai của người tiếp nhận thông tin", KS Trương Phi Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, có thể quá trình mài bằng phun cát ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân làm việc do máy không đảm bảo, làm việc không đúng quy trình hoặc làm thủ công... như không có buồng cách ly từ đó khiến bụi cát bay ra. Hiện nay chưa có công bố nào cấm sử dụng công nghệ phun cát trong mài quần áo trên thế giới hay tại Việt Nam.
|
KS Trương Phi Nam và chiếc quần mài do Trung Quốc sản xuất. |
Cách nhận biết quần mài hóa chất
KS Trương Phi Nam cho rằng, bên cạnh mài bằng công nghệ phun cát thì còn các cách khác như mài đá bọt, mài bằng hóa chất hay vi sinh kết hợp đá bọt, mài bằng hóa chất... Mài bằng vi sinh, tức để vi sinh làm mất màu, mòn nơi cần mài. Cách này cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng. Trong các cách mài trên mài bằng hóa chất có nhiều nguy cơ nhất cho người dùng. Bởi hóa chất có nhiều loại như javen, thuốc tím... và cả những hóa chất độc hại.
"Hóa chất có đặc điểm làm mất màu nhiều hơn nên độ mài mòn nhanh. Nhưng hóa chất sẽ còn tồn dư trong sợi vải, khó mất đi chỉ sau một lần giặt. Thuốc tím được xem là không độc hại, nhưng javen (clo) có khả năng ảnh hưởng tuy không nguy hiểm như các chất gây ung thư trong vải là formandehyd hay thuốc nhuộm gốc Izo. Nguy hiểm nhất là người ta sử dụng các thuốc chưa được công bố hoặc cấm, có thể gây độc hại khôn lường. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu, công bố nào về nguy cơ của các chất lạ này", KS Trương Phi Nam nhấn mạnh.
Cách phát hiện quần bò mài phun cát hay mài đá là quần bò mài theo hướng cục bộ, tức chỉ mài một vài nơi. Ví dụ, phần gấu quần thường chỉ mài bằng đá, hay phun cát thường ở các túi quần, phần ống quần... Riêng mài bằng hóa chất có đặc điểm mài đều, diện rộng như mài cả quần có màu giống nhau. Để đảm bảo an toàn nhất, sau khi mua quần nên giặt sạch, phơi khô sau đó mới mặc.
Hiện các nhà máy trong nghề dệt may của Việt Nam chủ yếu mài quần bò bằng men vi sinh kết hợp đá bọt, không sử dụng máy phun cát. Không phải do máy phun cát độc hại mà do nhiều yếu tố khách quan như hàng quần áo bò Việt Nam không cạnh tranh được với các nước, đặc biệt là Trung Quốc.