Đối tượng nằm trong độ tuổi 30 - 50. Tỷ lệ nữ giới bị cao gấp 2 lần nam giới. Nếu không chữa trị kịp thời, 20 - 30% bệnh nhân sẽ mất khả năng làm việc trong vòng 2 - 3 năm
|
Cây cà gai leo. |
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc tân dược chữa bệnh đau khớp. Trong khi đó, các cây cỏ dân gian hay dùng để chữa đau khớp cũng dễ tìm, rẻ tiền và dễ sử dụng.
Cà gai leo, dùng rễ, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô mỗi ngày 10 - 20g dạng thuốc sắc. Tác dụng chữa phong thấp, đau nhức các đầu gân xương.
Người dân hay dùng bài thuốc rượu chữa thấp khớp gồm: Lá lốt 800g, cà gai leo 300g, cỏ xước 300g, thổ phục linh 300g, quế chi 100g, thiên niên kiện 300g, tất cả phơi khô, tán nhỏ, ngâm trong 5 lít rượu trắng ngon trong 7 - 10 ngày, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30ml.
Cỏ xước, còn gọi là ngưu tất nam. Dùng cả cây và rễ, cây có chứa nhiều saponin tác dụng chống viêm rất tốt, mỗi ngày dùng 10 - 16g dạng nước sắc chữa sưng khớp gối, đau nhức gân cốt, đau lưng.
Lá lốt, dùng lá làm rau ăn và làm thuốc chữa tê thấp, đau lưng, tay chân tê dại, ngày 8 - 12g, sắc riêng hoặc sắc chung với dây đau xương, cốt khí củ, rễ cỏ xước đồng lượng. Có thể nấu nước ngâm tay chân cho người hay bị đổ mồ hôi tay chân.
Dây đau xương dùng thân dây, 8 - 12g trong ngày, sắc uống chữa bệnh tê thấp và đau nhức gân cốt, bồi bổ sức khoẻ. Có thể giã lá tươi trộn với rượu đắp lên các chỗ sưng đau.
Ké đầu ngựa, dùng quả chín vàng khô. Quả có vị đắng, tính mát, tác dụng tán phong trừ thấp, ngày dùng 6 - 12g dạng thuốc sắc chữa phong thấp, tay chân co rút, các khớp sưng đau.
Lưu ý, trong các thuốc giảm đau khớp có người còn dùng đến thịt rắn, rễ ô đầu... nhưng đây là những loại thuốc có độc nên khi dùng phải thật thận trọng và có sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
DS Lê Kim Phụng (giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành)