Ngành y tế báo động vì ca nghi Ebola ở Đà Nẵng

Google News

Ca nghi nhiễm Ebola vừa trở về từ tâm dịch Guine khiến y tế Đà Nẵng và cả ngành y tế Việt Nam báo động.


Tối 1/11, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết kết quả xét nghiệm của bệnh nhân nghi nhiễm Ebola ở Đà Nẵng công bố lúc 19g cùng ngày cho thấy bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét.
Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vẫn đang làm xét nghiệm virút Ebola và kết quả sẽ có trong ngày 2/11.
Do người nghi nhiễm bệnh đã nhập cảnh VN tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi di chuyển ra Đà Nẵng, nên Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế của Đà Nẵng giám sát sức khỏe người ngồi hai hàng ghế liền kề trước và sau người nghi nhiễm bệnh trong 21 ngày.
Ông Phu cho biết thêm bệnh sốt rét đang phổ biến ở châu Phi, đã có nhiều lao động VN trở về từ lục địa này nhiễm sốt rét, có người đã tử vong.

Tại Đà Nẵng, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc Sở Y tế, cho biết sau khi có kết quả xét nghiệm đã điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị sốt rét.
Hiện bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đã được cách ly hoàn toàn và sở yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng TP lên ngay danh sách những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này trước đó, những người ngồi gần với bệnh nhân trên các chuyến bay về VN và từ TP HCM đến Đà Nẵng, kể cả các y bác sĩ đã và đang trực tiếp theo dõi bệnh nhân.
Nếu những người trên có biểu hiện sốt thì lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi. Bà Yến cho biết trước khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bệnh nhân có uống thuốc hạ sốt nên có thể lực lượng hải quan sân bay này đã không kiểm tra được triệu chứng sốt.
 
Trước đó chiều 1/11, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã họp khẩn với các bệnh viện và các trung tâm phòng chống dịch trên địa bàn.
Theo đó, lúc 10h30 ngày 1/11, Bệnh viện Hoàn Mỹ tiếp nhận bệnh nhân Chu Văn Chung (26 tuổi, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) là người về từ vùng có dịch Ebola trong tình trạng đau đầu, sốt cao.
Anh Chung là lao động làm việc tại Guinea được hai năm. Năm ngày trước, bệnh nhân Chung đi từ Guinea qua các nước Morocco, Qatar rồi về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).
Đến ngày 31/10 về tới Đà Nẵng và trú tại một khách sạn trên đường Lê Đình Dương.
Ngay sau khi được chẩn đoán ban đầu với các triệu chứng sốt chưa rõ nguyên nhân, đi từ vùng dịch Ebola, trưa cùng ngày Bệnh viện Hoàn Mỹ đã cấp tốc chuyển bệnh nhân về tại khoa y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng để cách ly, chăm sóc đặc biệt.
Có mặt tại khoa y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng, toàn bộ hành lang lên tầng 4 đã được cách ly hoàn toàn để thành lập khu điều trị riêng. Đội ngũ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân chỉ 4-5 người với quần áo bảo hộ che kín.
Tại cuộc họp khẩn, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao (lúc 13h sốt cao tới 40 độ C), người bệnh có trạng thái hoang mang.
Trong khi đó, hai người đi theo cùng bệnh nhân tới bệnh viện có lời khai không thống nhất với người bệnh.
Trong khi anh Chung khẳng định mình đã sốt năm ngày thì hai người đi cùng khai báo chỉ sốt cách đây hai ngày.
Phía Bệnh viện Đà Nẵng cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân đã thực hiện tất cả quy trình cách ly phòng bệnh, khử trùng, xét nghiệm và theo dõi theo đúng quy trình điều trị bệnh Ebola.
Tại buổi họp khẩn, ông Phạm Hùng Chiến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, đã yêu cầu Bệnh viện Hoàn Mỹ tổ chức xử lý phòng dịch với xe cấp cứu và theo dõi chặt chẽ các nhân viên y tế ban đầu tiếp xúc với bệnh nhân.
Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, ông Chiến yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng thành lập tổ chăm sóc đặc biệt cách ly bệnh nhân và các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại khu y tế riêng.
Đồng thời chuẩn bị phương án bệnh viện dã chiến trong trường hợp bệnh nhân nhiễm Ebola.
Trước đó, đã có một người VN từ Nigeria về nước và ba sinh viên Nigeria đến VN học đại học phải cách ly do bị sốt.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)