Nằm đệm mùa hè thế nào để vừa mát vừa khỏe?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu không sử dụng hợp lý thì trong mùa hè, đệm là nơi phát sinh nhiều vi khuẩn, gây ô nhiễm phòng ngủ.

Nhiều gia đình hiện vẫn đang sử dụng đệm làm ấm mùa đông để nằm mùa hè. Theo các chuyên gia, do mùa hè mồ hôi nhiều hơn mùa đông nên nếu không sử dụng hợp lý thì đệm lại là nơi phát sinh nhiều vi khuẩn, gây ô nhiễm trong phòng ngủ... 
Đệm lò xo nằm mùa hè thoáng
Mặc dù trời nóng nực mấy ngày qua nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn nằm đệm. Anh chia sẻ, vì nằm quen nên khi bỏ đệm ra anh hay bị đau lưng, nhức mỏi khắp cơ thể và khó ngủ. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ thực, nằm đệm mùa hè rất nóng, bức bí nếu không bật điều hòa. Khác với mùa đông, mùa hè gia đình anh phải thay ga giường thường xuyên hơn để tránh mùi.
Theo khảo sát của chúng tôi, xu hướng nằm đệm mùa hè được nhiều gia đình áp dụng. Tuy nhiên, cũng có những gia đình nằm đệm do thói quen, tiện lợi và... bất đắc dĩ như không có nơi cất!
Theo KS Trương Phi Nam, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Dệt may, nằm đệm vào mùa hè sẽ trở nên bình thường nếu phòng ngủ thường xuyên sử dụng điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, nếu không dùng điều hòa thì sẽ gặp một vài khó chịu như nóng, độ thoáng kém dẫn đến cảm giác bức bí khi nằm... Đặc biệt, đệm có thể còn là nơi phát triển vi khuẩn, mạt bụi do tích tụ mồ hôi, da chết của người nằm. Vì thế, việc lựa chọn, cách sử dụng đệm mùa hè cần được các gia đình chú ý. 
Cụ thể, yếu tố thoáng cần được cân nhắc khi dùng đệm. Trong các loại đệm như lò xo, đệm cao su, bọt biển tổng hợp, bông ép, xơ sợi ép, nếu có cấu trúc giống nhau thì độ thoáng khí của đệm lò xo là cao nhất. Tiếp đến, đệm làm từ xơ sợi tự nhiên ép sẽ cao hơn đệm bông ép và bọt biển, cao su. Một số người cho rằng, đệm cao su hiện nay được nhiều nhà sản xuất có lỗ thoáng khí nên sẽ đỡ bí hơn trước đây. Điều này đúng nhưng vào mùa hè thì đây vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu để nằm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, đệm cao su hạn chế vi khuẩn phát triển, trong khi xơ sợi phát triển hơn do độ thấm mồ hôi cao. Vì thế, nếu chọn đệm cao su cần khắc phục điểm bí, còn đệm xơ sợi hay bông ép thì cần chú ý vi khuẩn. 
 Ảnh minh họa.
Trải chiếu, thay ga, phơi nắng
KS Trương Phi Nam cho biết thêm, đệm lò xo do có các khoảng trống phía trong nên độ thoáng khí cao. Đây cũng là loại đệm được sử dụng nhiều ở các nước phát triển vào mùa hè. Nhưng nhược điểm của đệm này là dễ võng do hệ thống lò xo đàn hồi không đều. Vì thế, khi chọn mua đệm loại này thì cần chú ý đến chất lượng, hàng chính hãng, nằm thử phải luôn cảm thấy êm ái, không bị sột soạt, không quá lún sâu. 
Khi dùng đệm bông xơ sợi, bông ép thì nên sử dụng ga mềm, mỏng bọc ngoài, sau đó trải thêm một lớp chiếu trên cùng. Chiếu có tác dụng hút ẩm của cơ thể để hạn chế ngấm xuống đệm. Đồng thời, chiếu cũng giúp làm mát cho cơ thể hơn nằm trực tiếp lên ga giường khi không dùng điều hòa, bảo vệ đệm khỏi bụi bẩn...    
Nếu dùng đệm cao su, bọt biển mùa hè nhưng phòng không bật điều hòa, KS Trương Phi Nam cho rằng, nên cân nhắc chọn chiếu đặt lên trên. Do đệm lò xo thường có độ êm ái hơn bông ép nên các loại chiếu không có độ mềm mại rất khó thích nghi, dễ bị gãy như chiếu sợi tăm tre... Chỉ các loại chiếu mềm mới có thể trải trên đệm này để tạo độ thoáng. 
Ngoài ra, khi dùng đệm vào mùa hè thì cần phải vệ sinh thường xuyên hơn mùa đông để ngăn sự phát triển của vi khuẩn. Như thường xuyên phơi đệm ra nắng (trừ đệm lò xo, bọt biển), thay ga giường hằng tuần...
“Với xu hướng công nghệ phát triển phục vụ đời sống, hiện các công nghệ nano được ứng dụng nhằm hạn chế vi khuẩn phát triển, chống nấm mốc và tạo độ thấm hút cao đang được nhiều hãng sử dụng vào các loại vải bọc đệm, sợi xơ, bông bông. Vì thế, nếu có điều kiện các gia đình có thể chọn mua loại đệm có công nghệ này”.
KS Trương Phi Nam 
Hiền Dung

>> xem thêm

Bình luận(0)