|
Ảnh minh họa. |
Uống rượu trước khi ăn cơm sẽ khiến ăn ngon miệng hơn vì rượu kích thích các tuyến tiêu hóa. Rượu bổ uống để mạnh gân cốt, tăng cường thể lực, phục hồi sức khoẻ sau ốm. Rượu còn có tác dụng kích thích thần kinh, làm hưng phấn tinh thần... Tuy nhiên, khi nồng độ rượu trong máu từ 1 - 3% thì có hiện tượng say: Người nóng dần, mặt đỏ, đi đứng loạng choạng, nói năng hành động không chính xác. Nếu nồng độ lên đến 5% thì người sẽ say mềm, nôn mửa, bất tỉnh nhân sự; đến 7% thì tim phổi ngừng hoạt động.
Đặc biệt, uống nhiều rượu gây xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, tai biến mạch máu não. Say rượu dễ gây tai nạn giao thông, ngã gãy chân gãy tay, chấn thương sọ não... Khi đã say rượu, cần nằm nghỉ ngơi trong nhà, tránh gió lạnh vì dễ gây cảm mạo. Việc cần làm ngay là cho người say rượu uống nước, càng uống nhiều càng tốt để làm giảm nồng độ rượu trong máu. Khi đã quá chén, giải rượu bằng các bài thuốc Nam đơn giản sẽ giúp hạn chế các trường hợp đáng tiếc. Xin giới thiệu một số mẹo giải rượu hiệu quả bằng thuốc Nam, tùy điều kiện mà mọi người áp dụng.
Bài 1: Dùng lá dong non rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cho người say uống để giải rượu, liều lượng tùy theo cơ thể, thường là 100 - 200g, uống vài lần trong ngày.
Bài 2: Lấy quả chanh tươi vắt lấy nước cho người say uống, đồng thời thái 2 lát mỏng đắp vào 2 bên thái dương, bôi vôi vào 2 lòng bàn chân.
Bài 3: Vỏ quýt khô sao thơm tán vụn 30g, mơ chua bỏ hạt thái nhỏ 20g, cho vào 300ml nước đun nhỏ lửa, cho thêm vài lát gừng, uống khi còn ấm.
Bài 4: Vỏ cam sấy khô tán bột uống với nước ấm, uống vài lần trong ngày, mỗi lần khoảng 50g vỏ cam.
Bài 5: Trà búp 5g, quất khô 10g đun sôi để ấm uống nhiều lần trong ngày.
Bài 6: Quả cam tươi bỏ hạt 50g, cam thảo 12g hãm với nước sôi 15 phút, uống nhiều lần trong ngày để giải rượu.