Mẹ ăn uống độc, con tự kỷ

Google News

(Kiến Thức) - Khi mang bầu mẹ bị nhiễm hóa chất độc hại thông qua tiếp xúc hoặc ăn uống... có thể khiến trẻ khi sinh ra bị tự kỷ. 

Nguy cơ cao khi sinh con muộn 
Trường hợp của Nguyễn Văn A. (Hà Nội) đã khiến cả bố mẹ lẫn chuyên gia tư vấn trẻ đặc biệt thấy bất ngờ. Lúc này, A. đang học lớp 9, sức học bình thường, không có nhiều dấu hiệu như hay chơi một mình, ngồi vào góc phòng... Tuy chỉ có điều, bố mẹ em nhận thấy khả năng giao tiếp ứng xử của em không cao, xuất hiện dấu hiệu trầm cảm. 
Hồi cấp một đi khám, làm các trắc nghiệm về trí não cho thấy em vẫn bình thường. Từ kết quả đó, những hạn chế của em được cho là do sự phát triển trí não chưa hoàn thiện. Sau này lên cấp hai, bố mẹ em một lần nữa muốn con được đánh giá sâu hơn về nguy cơ tự kỷ. Quả là, sau khi hoàn thiện bài trắc nghiệm Mchat, chuyên gia tâm lý xác định em bị chứng rối loạn phổ tự kỷ. 
Theo ThS Nguyễn Thị Nha Trang, quản lý dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và Các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng, hội chứng trẻ tự kỷ ở Việt Nam ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân: Sự hiểu biết của các bậc bố mẹ tăng nên tích cực hơn trong việc đưa trẻ đi khám, tư vấn tâm lý để phát hiện sớm; mức độ ô nhiễm do môi trường tăng. Khi mang bầu mẹ bị nhiễm hóa chất độc hại thông qua tiếp xúc hoặc ăn uống như nhiễm phóng xạ từ các nguồn y tế, công nghiệp; dùng đồ trang điểm hay thuốc nhuộm tóc có chứa hóa chất; thức ăn chứa tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay asen, chì... 
"Đến nay vẫn chưa biết hết nguyên nhân gây tự kỷ, nhưng có một số yếu tố khiến con bạn có xu hướng mắc tự kỷ như do gen của người bố hoặc mẹ, trẻ có anh chị em ruột mắc tự kỷ. Cha mẹ nhiều tuổi có nguy cơ sinh con tự kỷ cao... Trong đó, tự kỷ ở trẻ nam cao gấp 5 lần trẻ nữ", ThS Nguyễn Thị Nha Trang cho hay. 
 Một số nghiên cứu đang cố gắng theo dõi trẻ thông qua ánh mắt để phát hiện sớm nguy cơ tự kỷ.
Theo dõi từ 3 tháng tuổi
"Một số người cho rằng, con ở nhà với ông bà trông, ít giao tiếp và xem tivi nhiều có thể bị tự kỷ cao là chưa đúng. Bởi tự kỷ là một khuyết tật được hình thành bởi những sự khác biệt trong bộ não. Do đó, yếu tố tiếp xúc phía ngoài không được xem là nguyên nhân làm trẻ bị tự kỷ. Nhưng đó lại là yếu tố biểu hiện chứng này rõ ràng hơn", ThS Nguyễn Thị Nha Trang giải thích. 
Hiện nay, có một số nghiên cứu đang cố gắng theo dõi trẻ thông qua ánh mắt để phát hiện sớm nguy cơ tự kỷ từ ba tháng tuổi. Như trẻ không dõi theo các hướng đồ vật dù chưa khẳng định nhưng đó cũng là một dấu hiệu hỗ trợ. Ngoài ra, một số dấu hiệu nhận biết chính xác hơn trẻ có nguy cơ tự kỷ từ 6 tháng tuổi gồm: Không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ, yêu thương. Lên 9 tháng tuổi, trẻ không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt. Không nói bập bẹ, không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như chỉ, khoe, với và vẫy khi 12 tháng tuổi...  
"Nhìn chung có hai dấu hiệu sớm về phát hiện chứng tự kỷ là từ nhỏ có sự phát triển bất thường hoặc chậm; có sự phát triển tưởng chừng như bình thường khi còn nhỏ, nhưng sau đó kỹ năng bị mất đi hoặc không tiến triển". 
Hiện không có một trắc nghiệm y học nào hoặc phương thuốc nào chữa khỏi tự kỷ. Khi thấy những dấu hiệu sớm, các bậc bố mẹ cần sử dụng bảng sàng lọc kiểm Mchat để kiểm tra cho trẻ. Dựa vào bảng sàng lọc, bố mẹ nói chuyện với nhà chuyên môn hoặc bác sĩ về vấn đề lo lắng cũng như giới thiệu trẻ đi chẩn đoán chuyên sâu... 
Một vài người tự kỷ có những triệu chứng khác kèm theo như tăng động (rất năng động), bồng bột (hành động trước khi suy nghĩ), phản ứng cảm xúc và tâm trạng bất thường, nhớ ngắn hạn, hung hãn, tự làm đau bản thân, thói quen ăn và ngủ bất thường, không sợ những thứ đáng sợ (sự nguy hiểm), phản ứng bất thường với âm thanh, mùi vị, chất liệu, vẻ bề ngoài của sự vật.   
ThS Nguyễn Thị Nha Trang
Vân Đài

Bình luận(0)