Thời gian gần đây rất nhiều trường hợp do đến phòng khám tư tiêm và khám bệnh nên đã tử vong. Điển hình là hai trường hợp tử vong ở Bình Định và Tiền Giang. Tuy liên tục xảy ra những trường hợp tử vong xảy ra, nhưng hiện vẫn có không ít cơ sở hoạt động khám chữa bệnh mà chưa có giấy phé, không tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế về hoạt động hành nghề khám chữa bệnh tư nhân.
Đa số các phòng khám hoạt động dựa vào uy tín hoặc danh tiếng của các bác sĩ đang công tác ở bệnh viện lớn. Điển hình là phòng khám “chui” tại Ngõ 98 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo đó, hoạt động của phòng khám này chủ yếu vào các buổi chiều trong ngày, đặc biệt là vào thứ 7 và chủ nhật, phòng khám mở cửa đón tiếp bệnh nhân sớm hơn so với thường lệ. Đối tượng đến khám chủ yếu là các bệnh nhi từ 5 tuổi trở xuống.
Theo thông tin từ phụ huynh đưa con đến khám, vị bác sĩ này đang công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, là một bác sĩ có tiếng, được nhiều người truyền tai nhau là khám bệnh cho trẻ nhỏ tốt. Vì thế, lượng bệnh nhi đến phòng khám của bác sĩ này khá đông.
“Đây là bác sĩ làm ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ này giỏi lắm, hiện vẫn làm việc chứ chưa về hưu. Nên bác sĩ chủ yếu khám vào buổi chiều và thứ 7 chủ nhật. Người đến khám rất đông, nhiều hôm phải xếp hàng đến tối mới đến lượt”, vị phụ huynh đưa con đến khám cho biết.
Qua quan sát cho thấy, phòng khám được tận dụng dưới tầng 1, bên ngoài không có biển hiệu quảng cáo. Tuy nhiên, phía trong có bàn tiếp đón và khám bệnh, có cửa kính cách âm và có cả 2 hàng ghế cho bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh. Trang thiết bị dùng khám bệnh rất sơ sài và không có dụng cụ cấp cứu nếu có trường hợp bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc thuốc...
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi lần khám bệnh người bệnh sẽ phải trả phí 100.000 nghìn đồng. Ngoài ra, tiền thuốc tính riêng. “Tiền khám 100 ngàn/người/ lượt là bình thường, đắt chủ yếu là tiền thuốc. Mà thuốc của bác sĩ này ở hiệu thuốc không có nên sau khi khám chúng tôi thường mua thuốc luôn”, chị Hiền, một người đưa con đến khám cho biết.
Trong thực tế, có có không ít trường hợp các bác sĩ ở bệnh viện công ra ngoài mở phòng khám tư đã gây ra những vụ tử vong gây rúng động dư luận, điển hình như vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, đã gây ra vụ tử vong rồi ném tác phi tang, hay trường hợp bác sĩ Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Thường Tín (Hà Nội) cũng gây ra 2 vụ tử vong trẻ nhỏ khi mở phòng khám tư tại nhà.
Trước vấn đề này, phóng viên đã tới làm việc với Phòng Y tế quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, sau 1 tuần đặt lịch hẹn, phía phòng y tế vẫn chưa có phản hồi. Phải đến lần thứ 2, phóng viên mới gặp được Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Đức Kiên. Theo ông Kiên, vấn đề đó Phòng đã giao cho Phường sở tại trực tiếp kiểm tra. Còn những vấn đề khác nếu muốn lấy ý kiến thì phải liên hệ với UBND quận, quận đồng ý thì mới được phát ngôn.
Thiết nghĩ, với những bằng chứng xác thực, nhưng cơ quan các cấp đang đùn đẩy trách nhiệm, trên giao cho dưới, dưới lại lý do không đủ nhân sự. Thử hỏi đến khi có trường hợp tử vong thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Và thiệt nhất vẫn là người bệnh.