Giảm 500 người Việt chết mỗi năm nếu tăng thuế thuốc lá

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ bao thuốc lá và mất hơn 23 nghìn tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp cho 5 loại bệnh do hút thuốc lá gây ra. 

 Ảnh minh họa.
Tại buổi họp báo thông tin tình hình phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức nhân kỷ niệm ngày phòng chống tác hại thuốc lá 31/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc). Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. Tính tổng cộng số người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà là 33 triệu người.
Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khoẻ và kinh tế tại Việt Nam. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm Việt Nam có khoảng 40.000 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70 nghìn người/năm. Theo điều tra tại Bênh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. 
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khoẻ mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Xét trên gánh nặng kinh tế, mỗi năm người Việt Nam đã bỏ ra tới 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho chỉ 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã lên tới con số trên 23 nghìn tỷ đồng/năm.
ThS Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho hay, gánh nặng bệnh tật do thuốc lá rất lớn, không chỉ với bản thân người hút mà cả những người hút thụ động. Nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lẽ ra có thể phòng tránh được. Để giảm tiêu thụ thuốc lá thì biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn với cộng đồng là tăng thuế thuốc lá. Việt Nam đứng thứ 9 trong 10 nước ASEAN về tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá (chỉ đứng trên Campuchia).
Bộ Tài chính hiện đề xuất tăng thuế thuốc lá theo lộ trình vào năm 2015 và 2018; cứ mỗi 2 năm tăng 10%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, mức tăng như vậy tác động tới tiêu dùng thuốc lá  không đáng kể. Lý do vì mức tăng thuế thấp như vậy thì giá thuốc lá vẫn tăng chậm hơn lạm phát và thu nhập bình quân đầu người. 
Vì thế, các chuyên gia đề xuất mức tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt cần tăng 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với đề nghị của Bộ Tài chính (tăng từ 65% lên 75% và 85%). Mức thuế này mới đảm bảo giá bán lẻ thực tế tăng cao hơn mức tăng thu nhập; kéo theo sức mua sẽ giảm đi. Viêt Nam đặt mục tiêu giảm khoảng 1% tỷ lệ thuốc lá mỗi năm, từ năm 2012 đến 2020 và nhờ đó giảm được 500 người chết mỗi năm do thuốc lá. 
Thúy Nga

Bình luận(0)