Ghép gân xương từ người cho chết não

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh viện Việt Đức vừa lấy gân xương từ người cho chết não ghép thành công cho hai bệnh nhân. 

Bác sĩ kiểm tra chân bệnh nhân sau ghép gân. 
Bệnh nhân Nguyễn Việt T. (24 tuổi) bị u tế bào khổng lồ lồi cầu xương đùi. Sau phẫu thuật lấy u, ổn định mổ lần 2 lẽ ra phải lấy xương từ cách chậu hoặc xương mác tự thân lên để ghép nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của phần xương được lấy. Đặc biệt, xương mác là xương cứng lên khó liền và có nhiều nguy cơ khi lấy xương. Các bác sĩ đã lấy xương xốp từ người cho chết não ghép cho bệnh nhân. Sau ghép theo dõi liên tục trên X-quang 6 tháng, xương liền tốt, bệnh nhân đã đi lại được. 
Tương tự, bệnh nhân nữ (25 tuổi) bị đứt 4 dây chằng gối trái gồm: Dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong, đứt cánh bên trong xương bánh chè gây chật xương bánh chè ra ngoài. Nếu lấy gân tự thân không đủ để tái tạo lại cả 4 dây chằng, bệnh nhân tàn phế. May mắn, nhờ gân từ người cho chết não, bệnh nhân được mổ nội soi, tại tạo lại 4 dây chằng. Sau 3 tháng bệnh nhân đi lại được, không trật xương bánh chè.
BS Trần Hoàng Tùng, Khoa Chấn thương chỉnh hình II, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thông thường để ghép gân, xương đa phần vật liệu lấy từ chính cơ thể bệnh nhân cho tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, việc lấy gân xương từ chỗ này, đem ghép đi chỗ khác thực chất là việc hy sinh chức năng ít quan trọng ở vùng này để lập lại chứng năng quan trọng hơn ở vùng khác chứ không phải đem chi thể tổn thương về nguyên vẹn như chân lành. 
Những trường hợp tổn thương đứt nhiều dây chằng, khuyết hổng xương quá lớn như hai trường hợp kể trên hoặc những tổn thương lặp lại nhiều lần... thì việc lấy gân xương từ chính người bệnh thực sự không đủ để bù vào những vị trị bị bệnh dẫn đến tình trạng bệnh nhân không khỏi bệnh hoàn toàn. Đặc biệt, người Việt Nam cấu trúc gân xương nhỏ nên việc lấy xương tự thân có nhiều nguy cơ.
Theo BS Trần Hoàng Tùng, để giúp bệnh nhân phục hồi chức năng tốt nhất, Bệnh viện Việt Đức cũng đã nghiên cứu lấy gân đồng loại từ chân cắt cụt điều trị thành công cho 10 trường hợp. Giờ đây, việc có thêm nguồn gân mới từ người cho chết não sẽ góp phần làm phong phú nguồn vật liệu điều trị cho bệnh nhân. 
Đặc biệt, việc sử dụng gân, xương từ người cho chết não sẽ giúp người bệnh không phải hy sinh gân xương tự thân; tránh được các phiền toái sau mổ do lấy mảnh ghép tự thân như mất cảm giác, sẹo xấu ảnh hưởng chức năng, tổn thương mạch, thần kinh; đường mổ nhỏ; thời gian mổ được rút ngắn; tập phục hồi chức năng sau mổ thuận lợi và bệnh nhân phục hồi nhanh. 
Thúy Nga

Bình luận(0)