Dùng cốc uống nước sai cách cũng sinh bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Bạn có thể mắc bệnh quai bị, viêm màng não, lở mồm long móng và thậm chí cả bệnh bạch cầu đơn nhân chỉ vì cái cốc uống nước.

Chúng ta thường chỉ quan tâm đến chất lượng nguồn nước, lượng nước được đưa vào cơ thể mỗi ngày… mà rất ít để ý đến chiếc cốc dùng để uống nước. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, việc sử dụng cốc uống nước sai cách cũng gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khoẻ.
Chung cốc… chung bệnh
Uống chung cốc, dường như ai cũng biết là thói quen không tốt, nhưng điều này lại vẫn thường bị chúng ta bỏ qua, nhất là trong gia đình, hay trong một văn phòng công sở. TS nha khoa Thomas P. Connelly, giáo sư giảng dạy tại trường Nha khoa Columbia, New York City (Mỹ) đã cảnh báo trong một bài viết đăng trên Tạp chí Healthy Living: Có thể nói chắc chắn là nước bọt liên quan đến bất kỳ việc chia sẻ đồ uống nào chung cốc và việc truyền vi khuẩn, virus sẽ không thể tránh khỏi. 
Phổ biến nhất là những virus gây bệnh thông thường như cảm lạnh, viêm họng liên cầu khuẩn (Streptococcus) hay thậm chí là quai bị. Ngoài ra, danh sách các bệnh có thể truyền qua đường miệng/nước bọt cũng không loại trừ các bệnh hiếm gặp như bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn do virus herpes hay bạch cầu đơn nhân mononucleosis gây ra và thậm chí cả bệnh lở mồm long móng hay chân tay miệng.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên cán bộ Bệnh viện 105 (Sơn Tây) cho rằng, dùng chung cốc với người khác, kể cả trong gia đình, đã không an toàn; nhưng vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn khi chúng ta đi ăn uống bên ngoài. Thực tế, hầu hết các hàng quán đều bỏ qua việc vệ sinh cốc hoặc chỉ làm cho có, khiến cho nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao gấp nhiều lần. Dùng chung cốc, uống chung đồ uống là một cách vô tình chúng ta đã “mời” vi khuẩn đi vào cơ thể qua đường miệng. Để giữ an toàn vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ, tốt nhất nên hạn chế ăn uống bên ngoài, nhất là ở những quán hàng nhếch nhác, điều kiện vệ sinh kém. 
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nên cầm cốc đúng vị trí, chú ý không đưa bàn tay, ngón tay lên sát miệng cốc, hoặc lại làm một hành động sai lầm là lấy tay lau miệng cốc trước khi uống. Bởi trong hoạt động hằng ngày, bàn tay chúng ta là nơi tiếp xúc với rất nhiều thứ nên có chứa nhiều vi khuẩn, dễ dàng trở thành kẻ trung gian mang vi khuẩn từ các vật khác đến chiếc cốc và đồ uống của chúng ta, từ đó dễ dàng xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể.
Dùng coc uong nuoc sai cách cũng sinh bẹnh
 Ảnh minh họa.
Chọn cốc để an toàn
Theo cảnh báo của Cơ quan Quản lý Thuốc và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ, uống nước trong chai/cốc nhựa luôn tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm hóa chất độc hại, một số trong đó gây trở ngại với các hormon trong cơ thể. Những hóa chất này bao gồm bisphenol - A, hay BPA và phthalates. Hóa chất trong nhựa có thể ngấm vào nước đóng chai, đặc biệt là khi tiếp xúc với nhiệt hoặc khi vỏ chai nước đã dùng cũ. Các loại nhựa khác nhau, được chỉ định bởi các mã số bên trong biểu tượng tam giác mũi tên ở phía dưới của chai, đều có chứa các hóa chất khác nhau. Đồ uống đóng chai, hoặc cốc nhựa dùng một lần thường sử dụng các loại nhựa có nhãn số 1 và được xác định bằng hai chữ PET hay PETE. 
Ngoài ra, dùng cốc nhựa đựng nước nóng thì các chất hóa học độc hại sẽ dễ hòa tan trong nước và thôi nhiễm ra đồ uống. Các nhóm vận động bao gồm Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, có trụ sở tại New York (Mỹ) đã chỉ ra các bằng chứng của hóa chất độc hại từ nhựa thẩm thấu vào thức ăn hoặc nước và đã kêu gọi những nghiên cứu sâu hơn để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cốc giấy dùng một lần cũng được cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ có chứa chất gây ung thư từ chất tẩy trắng và bột giấy. Những chiếc cốc có màu sắc sặc sỡ cũng được các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế sử dụng, bởi rất nhiều trong số những chiếc cốc này sử dụng các chất hóa học độc hại để tạo nên màu men hấp dẫn, trong đó có cả chì. 
Các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất nên sử dụng cốc thủy tinh, bởi cốc thủy tinh trong quá trình nung đốt không chứa hàm chứa chất hóa học hữu cơ, nên sẽ không lo nguy cơ thôi nhiễm hóa chất vào đồ uống. Ngoài ra bề mặt cốc thủy tinh trơn bóng, dễ rửa, vi khuẩn và chất cặn khó bám vào cốc. Cốc sứ trắng, không tráng men, không tô màu cũng là lựa chọn tốt bởi đây là loại cốc an toàn và giữ nhiệt tốt. 
Ngoài các vi khuẩn phản ứng tức thì và gây bệnh rõ ngay, còn có những loại vi khuẩn sẽ đi vào cơ thể và phát triển, làm suy giảm hệ miễn dịch, lâu dài sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Vì thế, không nên chủ quan khi sử dụng cốc uống nước và tuyệt đối không nên dùng chung cốc. 
TS nha khoa Thomas P. Connelly
Huy Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)