Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do vi rút Corona ( bệnh MERS-CoV) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan nhanh qua đường hô hấp do vi rút Corona gây ra. Hiện nay, bệnh đang bùng phát mạnh ở khu vực Trung Đông và lây lan tới một số quốc gia trên thế giới. Trong đó ở khu vực Đông Nam Á cũng đã ghi nhận 2 quốc gia có trường hợp nhiễm virus này đó là Philipine và Malaysia.
Trước những diễn biến phức tạp của loại dịch bệnh này, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các tình thành phố chủ động triển khai phòng chống để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh MERS vào trong nước.
Máy đo thân nhiệt hoạt động 24/24
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế đã tiến hành giám sát chặt trẽ các hành khách từ nước ngoài đến Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, bằng biện pháp đặt máy đo thân nhiệt hoạt động 24/24 tại sân bay này.
|
Các nhân viên thực hiện giám sát bằng máy đo thân nhiệt đối với hành khách quốc tế đến Việt Nam. |
Ngoài ra, đơn vị này cũng đã bố trí hai phòng cách ly với đầy đủ cơ số thuốc và phương tiện cấp cứu đảm bảo khám phân loại, cách ly người bệnh. Đồng thời, bố trí hai xe cứu thương thường trực để vận chuyển người bệnh.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Khoa Kiểm Dịch – Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế cho biết, theo thống kê mỗi ngày trung bình có 7000 khách nước ngoài đến sân bay Nội Bài, các hành khách chủ yếu xuống từ 2 cánh (cánh A và cánh B), vì thế trung tâm chốt trực tại đây là 4 người, 2 người trực 1 cánh để giám sát tất cả các hành khách. Các hành khách khi xuống đều phải đi qua máy đo thân nhiệt, nếu phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ, nhân viên sẽ tiến hành khám sàng lọc và cách ly ngay tại chỗ.
“Nếu qua máy soi, phát hiện hành khách có thân nhiệt trên 38,5 độ thì chúng tôi sẽ giữ hành khách lại, cặp nhiệt độ để xem nhiệt độ thực của hành khách là bao nhiêu. Về vấn đề này có 2 trường hợp xảy ra: Thứ nhất là sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là việc hành khách từ máy bay xuống nhà ga có thời tiết nóng, do đó nhiệt cơ thể có thể tăng lên.
Thứ hai là họ có thể sốt thực sự, với trường hợp này chúng tôi đưa vào phòng cách li và khám sàng lọc đồng thời hỏi tiền sử bệnh. Đối với trường hợp sốt thông thường chúng tôi sẽ cho về nhưng ghi lại địa chỉ và báo cáo với lãnh đạo cơ quan. Đối với trường hợp sốt từ vừng dịch về chúng tôi sẽ báo cáo và xin chỉ đạo để có biện pháp can thiệt kịp thời”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, từ đầu năm tới nay, đã phát hiện nhiều trường hợp sốt, nhưng chỉ là sốt bình thường, còn chưa ghi nhận trường hợp nào sốt từ vùng dịch và có dấu hiệu của dịch bệnh.
Giám sát chặt trẽ các chuyến bay đến từ Trung Đông
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tê Quốc tế. Ông Hòa cho biết: “Đối với các hành khách quốc tế đến Việt Nam, chúng tôi đều kiểm tra theo đúng quy trình, tuy nhiên đối với những chuyến bay đến từ các nước Trung Đông chúng tôi sẽ giám sát và kiểm dịch chặt trẽ hơn”.
|
Phòng cách li nếu phát hiện bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus MESR. |
Theo đó, ngoài việc giám sát qua hệ thống không lưu, khi đến sân bay các nhân viên sẽ tiến hành đo thân nhiệt, nếu phát hiện nghi ngờ sẽ đưa hành khách vào phòng cách ly, đồng thời cách li toàn bộ hành khách đi cùng chuyến bay đó, còn đối với bệnh nhân, các nhân viên y tế sẽ chuyển về viện theo phân tuyến điều trị.
Theo ông Hòa, để phòng chống sự xâm nhập của dịch MESR vào nước ta, ngoài khâu giám sát và khám sàng lọc ở sân bay, các bệnh viện như Bệnh viện Nhiệt Đới TW, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng luôn sãn sàng khám và xét nghiệm nếu có trường hợp nghi ngờ nhiễm virus MESR.
“Trong trường hợp có hành khách nhiễm virus chúng tôi sẽ thông báo với cộng đồng để ngành y tế cộng đồng tiến hành các biện pháp phòng chống, giám sát nơi ở, nơi làm việc của người nghi ngờ mắc để thông báo rộng rãi đến quần chúng, tránh sự lây lan trên diện rộng”, ông Hòa cho hay.
Còn riêng tại sân bay, nếu phát hiện bệnh nhân nghi ngờ, các nhân viên sẽ tiền hành khử khuẩn các phương tiện: máy bay, ống lồng dẫn khách, lối đi …để không có sự lây nhiễm từ cách phương tiện ở sân bay.
Trả lời câu hỏi về: Bài học của dịch SARS khi chính nhân viên y tế là nạn nhân của dịch bênh, ông Hòa cho hay: “ Đối với nhân viên y tế thực hiện giám sát, chúng tôi đều có các phương tiện phòng hộ chuyên dụng để bảo vệ cho chính bản thân các cán bộ tham gia”.
Đối với các máy móc đo thân nhiệt, trung tâm hiện đã sử dụng những loại máy tốt nhất để có thể phát hiện người bệnh nhanh nhất, thậm chí là có người nghi ngờ mắc bệnh đi trong 1 đoàn hành khách máy cũng có thể chỉ mặt trực tiếp hành khách đó.
“Sân bay quốc tế Nội Bài là một sân bay lớn, lưu lượng khách quốc tế đến nhiều nên chúng tôi phải triển khai những máy móc hiện đại nhất, đồng thời yêu cầu nhân viên làm việc hết sức rất cẩn trọng, vì chúng ta không thể biết chắc họ đi từ đâu đến và có mang theo virus truyền bệnh hay không”, ông Hòa nói.
Để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
4. Tăng cường thông khí tại nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế,... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ.
5. Những người đi/đến từ các nước đang có dịch bệnh MERS-CoV cần chú ý và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.
6. Cán bộ y tế thực hiện nghiêm túc việc phòng ngừa lây chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện và sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân khi thăm khám, điều trị, chăm sóc người bệnh.
7. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp như: sốt trên 38°C, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.