7 tuổi đã đột quỵ não
Cháu Tạ Hữu P. (sinh năm 2003 ở Việt Trì, Phú Thọ), khi mới 7 tuổi (8/2013) đã bị đột quỵ chảy máu não lần đầu tiên. Hình ảnh chụp MRI cho thấy: "Phồng động mạch cảnh trong bên phải 2 vị trí, kích thước lớn, đã bị biến chứng vỡ túi phồng gây chảy máu dưới nhện lan toả". Hình ảnh chụp mạch số hoá xoá nền (DSA): Có 1 túi phồng ở động mạch cảnh trong phải đoạn thông sau và 1 túi phồng ở động mạch não giữa cùng bên. Bệnh diễn biến theo chiều hướng thuận lợi, bệnh nhân không được can thiệp nút túi phồng hoặc phẫu thuật kẹp cổ túi phồng mà chỉ điều trị và hồi phục tốt sau 3 tuần, không bị biến chứng chảy máu tái phát hoặc biến chứng của chảy máu dưới nhện.
Tuy nhiên, tháng 3/2014, bệnh nhi có triệu chứng đau đầu, kết quả chụp cho thấy: Tổn thương mạch máu não của bệnh nhân đã phát triển rất lớn. Tình trạng hiện tại được chẩn đoán là "phồng khổng lồ động mạch não giữa phải, giãn gốc động mạch não giữa phải, phồng động mạch cảnh trong bên phải đoạn thông sau. Nếu không được điều trị, nguy cơ phát triển nhanh, liên tục của khối phồng động mạch dẫn đến vỡ và chảy máu não là rất cao. Chính vì vậy, nhóm chuyên khoa mạch máu não của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã quyết định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp "đặt stent đảo dòng chảy".
|
Hình PĐMN trước và sau điều trị. |
Can thiệp sớm tránh tử vong
TS.BS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Can thiệp mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, khoảng 1 - 2% dân số bị phồng động mạch não (PĐMN), trong đó mỗi năm có khoảng 1% bệnh nhân bị vỡ PĐMN. Khoảng 10 - 15% số bệnh nhân vỡ PĐMN bị tử vong trước khi đến viện và nếu không được điều trị kịp thời thì có đến 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau vỡ túi phồng. PĐMN có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40 - 60 tuổi.
Vỡ PĐMN chiếm 3 - 5% tổng số đột quỵ mới. Chảy máu não do vỡ PĐMN thường là chảy máu dưới nhện (còn gọi là chảy máu dưới màng nhện, chảy máu màng não) - một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Khi đã xác định chảy máu dưới nhện do vỡ PĐMN thì bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng bị chảy máu tái phát. Hiện nay, có hai phương pháp điều trị chính là: Phương pháp mổ mở, tìm túi phồng và kẹp ngang cổ túi bằng kẹp kim loại (clip) và can thiệp mạch.
Phương pháp "đặt stent đảo dòng chảy" là sử dụng một stent kim loại mềm, mỏng, mắt lưới dày đặt vào lòng động mạch não, chắn ngang qua túi phồng làm cho dòng máu đi vào và đi ra khỏi túi phồng bị hạn chế tối đa. Nhờ đó, máu đông hình thành trong lòng túi phát triển dần dần từ đáy lên cổ túi, làm đông đặc toàn bộ túi phồng, triệt tiêu nguy cơ chảy máu não do vỡ túi phồng.
Trường hợp của cháu P. trong và sau can thiệp khá thuận lợi, không có tai biến và biến chứng, hình ảnh DSA mạch máu não cho thấy, sau đặt lưu thông động mạch não tốt, dòng chảy vào - ra túi phồng giảm rõ. Đặc biệt, hình ảnh CT sọ não ngay sau can thiệp và ngày thứ 3 sau can thiệp, huyết khối dầy lên đáng kể, nòng túi nhỏ lại. Bệnh nhân được ra viện trong tình trạng khoẻ mạnh sau 4 ngày điều trị.