|
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam đang phẫu thuật cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần. |
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM cho biết, bệnh về mạch máu mà nữ nhân viên văn phòng hay mắc là bệnh suy và giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính. "Mới đây nhất, tôi đã tiếp nhận bệnh nhân một bệnh nhân Lê H. N. T. (35 tuổi ở quận 6, TPHCM), làm thư ký giám đốc, thường xuyên ngồi trước máy tính. Bệnh nhân N.T. đã sinh hai lần, sau lần mang thai đầu tiên chân bị sưng phù, các tĩnh mạch chi dưới nổi ngoằn ngoèo. Sau sinh thì tình trạng trên có giảm, nhưng từ lần mang thai thứ hai bị nặng hơn. Một năm sau sinh, bệnh nhân vẫn còn mang giầy cao gót. Cô đã được chỉ định phẫu thuật bằng sóng cao tần lấy bỏ các tĩnh mạch bị giãn", PGS.TS Nguyễn Hoài Nam kể.
Ở Việt Nam, theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống, chủ yếu là tĩnh mạch chân. Đa số bệnh nhân đều không biết mình mắc bệnh giống như bệnh nhân N.T., không điều trị kịp thời nên thường tiến triển nặng, rất khó chữa trị. Ngoài ra, việc bệnh nhân ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng cũng làm gia tăng tình trạng mắc bệnh giãn tĩnh mạch hiện nay.
Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu dễ gây nên hiện tượng cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Nếu phát hiện muộn và xử lý không tốt, cục máu sẽ trôi đi theo dòng máu chảy về tim, từ tim cục máu sẽ di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan, nếu gặp phải nơi mạch máu nhỏ, lòng động mạch hẹp (xơ vữa động mạch) rất dễ gây tắc nghẽn ở động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim, hoặc thiếu máu não và dẫn đến nguy cơ tử vong.
Biện pháp ngừa bệnh đầu tiên là tăng cường đi bộ hằng ngày, tránh ngồi lâu hay đứng lâu, ăn nhiều thực phẩm có vitamin, nhất là vitamin C và chất xơ, tránh béo phì, hạn chế đi giầy cao gót, mặc quần áo rộng, thay đổi phương pháp ngừa thai để khỏi phải sử dụng thuốc ngừa thai. Khi phát hiện các triệu chứng như nhức mỏi, tê, nặng, phù chân, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm, bệnh nhân cần đi khám để được điều trị thích hợp.
Một số phương pháp điều trị thường áp dụng như như đi tất y khoa, sử dụng các loại thuốc chống viêm và tăng cường sức bền thành mạch máu, chích thuốc điều trị xơ tĩnh mạch, đốt tĩnh mạch giãn bằng laser hoặc sóng cao tần RFA nội mạch... Ngoài ra, có thể phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch giãn, tạo hình van tĩnh mạch...