Sáng ngày 3/3, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi sởi, đã chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phổi nặng.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: “Đây là trường hợp sởi biến chứng nặng nhất mà Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ đầu mùa dịch đến nay”.
Khi nhập viện, bệnh nhi Bệnh nhi Kiều Tr. ở trong tình trạng sốt cao, đã nổi ban ba ngày, suy hô hấp, có lúc ngưng thở. Theo thông tin từ phụ huynh, bệnh nhi từ bé chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi.
Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tích cực cứu chữa, kiểm tra các xét nghiệm để xem phổi có xâm nhập virus hay không. Tuy nhiên, bệnh nhi đã bị suy hô hấp nặng, cho thở máy nhưng ô xy không lên. “Bệnh nhi rất khó kiểm tra tim, các bác sĩ phải siêu âm liên tục nhưng không thấy tổn thương trực tiếp nên tiếp tục điều trị tích cực”, BS Dũng nói.
|
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân Tr. |
Ngay sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị tích cực, cho bệnh nhi thở máy 5 ngày. Hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, có thể tự hô hấp bình thường, không cần sử dụng máy thở và dần hồi phục, sức khỏe tiến triển tốt.
Theo bác sĩ Dũng, trong thời gian qua, số lượng bệnh nhi sởi nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hiện tại, vẫn có hơn 3 ca sởi biến chứng nằm viện. Trong số các biến chứng của sởi, viêm phổi là nguyên nhân thường gặp nhất và dễ gây tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi. Hiện tại, đã có nhiều trẻ viêm phổi nặng phải thở máy, một số xuất hiện biểu hiện nặng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và tử vong.
Một biến chứng ít gặp hơn nhưng không kém phần nguy hiểm là viêm não do sởi. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
Tiế đó là chứng viêm não xơ hóa bán cấp. Bệnh này chỉ xuất hiện sau khi trẻ bị sởi từ 7-10 năm. Những trẻ mắc sởi lúc tuổi càng nhỏ thì nguy cơ này càng tăng. Biểu hiện đầu tiên là thay đổi nhân cách, sau đó rối loạn vận động, co giật, sa sút trí tuệ. Trẻ thường tử vong sau 1-2 năm phát hiện bệnh.