Chưa có thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết

Google News

(Kiến Thức) - Hà Nội ghi nhận, từ đầu năm tới này có 115 ca mắc sốt xuất huyết trên tổng 8 ổ dịch được phát hiện.

Đó là con số được Sở Y tế Hà Nội đưa ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố mới đây. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 115 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến ngày 23/7, trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 xã, phường. 
Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã khẩn trương tổ chức triển khai điều tra xác minh dịch và triển khai triệt để các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy/lăng quăng, loại bỏ, lật úp tất cả các vật dụng chứa nước không cần thiết.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ổ  dịch mới nhất xảy ra tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy có số ca mắc nhiều nhất là 8 ca. Tính từ ngày 17/7 đến nay không có ca mắc mới. 

"Hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn nhiều khó khăn do bệnh này không có vắcxin, thuốc điều trị đặc hiệu, nên công tác phòng bệnh phải nhờ vào sự tham gia của cộng đồng. Do vậy, diệt bọ gậy và phun hóa chất là vô cùng cần thiết", ông Hạnh cho hay. 
 Muỗi là tác nhân chính gây nên bệnh sốt xuất huyết.
Nói về căn bệnh này bác sĩ Lê Xuân Thủy, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Khi bệnh xuất hiện ở thể nhẹ, thường có những biểu hiện như: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban.
Khi bệnh ở thể nặng, thường có các dấu hiệu như: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Cũng liên quan đến căn bệnh này, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết Dengue khoảng 3-5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.
 Phòng chống muỗi sẽ ngăn chặn được bệnh sốt xuất huyết.
“Hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh sốt xuất huyết”, PGS.TS Dương cho biết.
Trên thế giới, bệnh sốt xuất huyết lưu hành trên 100 quốc gia ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 3 tỷ người sống tại các vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành với 50-100 triệu ca mắc hàng năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hằng năm, ở Việt Nam ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc. Riêng năm 2014, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 12.868 trường hợp, số trường hợp mắc sốt xuất huyết giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2013.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Minh Hoàng

Bình luận(0)