Chăn bông hóa học gây cước da

Google News

(Kiến Thức) - Đó là khẳng định của KS Trương Phi Nam, nguyên Trưởng phòng Thí nghiệm, Viện Dệt may Việt Nam về thực tế sử dụng chăn bông hóa học. 

Bông phế từ gầm máy
Một khảo sát nhỏ về thị trường chăn bông trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện mặt hàng chăn bông tự nhiên không còn tồn tại trên thị trường. Nếu có, sản phẩm này chỉ được sử dụng nhằm mục đích lót nằm cho sinh viên, người thu nhập thấp. Trong khi đó, chăn bông hóa học chiếm ưu thế. Theo đó, sản phẩm có độ nhẹ, mềm, giá cả phải chăng. Rất nhiều loại chăn bông hóa học đã được người dân chọn mua. Đối với dòng cao cấp hơn, chăn bông lông vũ cũng được bán khá nhiều tại các cửa hàng chăn ga gối. 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, chăn lông vũ hiện đang rất nhập nhằng, chưa rõ chất liệu, nguồn gốc. Tại một cửa hàng tại phố Kim Ngưu, người bán hàng cho chúng tôi biết có nhiều loại lông vũ với các giá khác nhau, tùy vào cân nặng, chất liệu. Điều mà người bán hàng luôn khẳng định với người mua chính là hoàn toàn là lông chim. Nhưng để kiểm tra chính xác thì hoàn toàn không có cách nào thực hiện được. Đấy là chưa kể, có phải lông vũ hay chỉ là bông hóa học giả lông vũ.  
Theo KS Trương Phi Nam, nguyên Trưởng phòng Thí nghiệm, Viện Dệt may, chăn bông tự nhiên nguyên chất có nhiều ưu điểm là ấm, hút ẩm, mềm là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều gia đình sử dụng bông tự nhiên làm chăn bởi loại chăn này thường dày, nặng và không có bông nguyên chất. 
"Một kg xơ bông tự nhiên đắt gấp ba lần bông hóa học bằng nilon. Nhưng hiện nay không có bông tự nhiên nguyên chất mà chủ yếu là bông phế. Tức bông được lấy ra từ gầm máy trong quá trình kéo sợi rơi xuống. Sau quá trình mang đi tạo màng thành bông cho chăn. Bông phế thường chứa nhiều chất bẩn do nằm ở gầm máy", KS Trương Phi Nam nhấn mạnh. 
 Chăn hóa học hoàn toàn không ấm hơn chăn bông tự nhiên do không hấp thụ và giữ nhiệt. 
Phân biệt chăn bông lông vũ, hóa học
Cũng theo KS Phi Nam, bông hóa học được làm từ xơ sợi nilon và đánh màng. Bản chất của xơ sợi hóa học là kỵ nước, tức không có khả năng hút ẩm nên gây bí cho người dùng. Bên cạnh đó, chăn hóa học hoàn toàn không ấm hơn chăn bông tự nhiên do không hấp thụ và giữ nhiệt. Nguồn gốc của yếu tố xuất phát từ cấu tạo sợi bông hóa học không có nhiều khoảng trống phía trong. 
"Nhiều gia đình đã phải bỏ chăn bông hóa học vì bí và cước da. Nhiều người cho rằng, dù chăn bông hóa học nhưng vỏ chăn bọc bằng vải cotton sẽ giảm được khó chịu, nhưng điều này không ăn thua. Bởi bản chất và độ ấm của chăn phụ thuộc chính vào ruột bông. Dùng vỏ chăn cotton chẳng qua để giảm cọ xát vào người", KS Nam chia sẻ. 
Đối với chăn lông vũ, ông Nguyễn Quốc Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dệt may Hà Duy cho rằng, vì lông vũ là từ dùng để nói chung bao gồm cả chim, gà, vịt... Sản phẩm có cấu trúc giống len, tức độ xốp cao nên nằm sẽ ấm. Tuy nhiên, thực sự chăn lông vũ hay bông hóa học giả danh cần có sự kiểm tra chính xác trước khi mua tránh sự nhầm lẫn. Cách kiểm tra đơn giản nhất là phải lấy một sợi bông nhỏ ra đốt. Theo đó, nếu lông vũ thật sẽ có mùi khét tương tự như đốt tóc. Còn bông hóa học sẽ chảy nhựa và dính.  
Sản phẩm chăn bông lông chim hay gà, vịt... còn phụ thuộc vào thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm. Đối với sản phẩm rẻ tiền, không rõ thương hiệu người tiêu dùng không nên hy vọng lông chim thật, dù mức ấm có thể ngang nhau. Chỉ lo một điều rằng, việc vệ sinh lông vũ không đảm bảo sẽ chứa nhiều vi khuẩn, virus gây ra các bệnh về hô hấp như bệnh hen suyễn, dị ứng da.
Vân Đài

Bình luận(0)