|
Khi mang thai, phụ nữ không chỉ cần dưỡng thai cho thai nhi phát triển khoẻ mạnh. Ảnh minh họa |
Để giúp thai khoẻ mạnh, cổ nhân đã khéo léo lựa chọn thịt lợn phối hợp với một số thực phẩm, dược phẩm để chế biến thành món ăn - bài thuốc vừa có công năng thúc đẩy quá trình sinh trưởng của thai nhi, lại vừa có tác dụng nâng cao sức đề kháng nhằm phòng chống các bệnh tật cho người mẹ nói chung và bệnh của thời kỳ mang thai nói riêng. Dưới đây là cách chế biến thịt lợn an thai, chống nghén.
Thịt lợn hầm đẳng sâm: Thịt lợn 200g, đẳng sâm 10g, phục linh 10g, bạch truật 10g, cam thảo 6g, đương quy 15g, thục địa 15g, hoàng kỳ 10g, thịt lườn gà 200g, hành 50g, gừng tươi 10g, muối 5g, mỳ chính 2g. Cách chế: Các vị thuốc gói vào túi vải; thịt gà chặt miếng; thịt lợn thái mỏng; tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ khí huyết, dưỡng thai, dùng rất tốt cho thai phụ có biểu hiện của chứng “khí huyết lưỡng hư” như da nhợt, hay hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu nhiều, ăn kém, đại tiện nát, thai nhi chậm phát triển, tinh thần mệt mỏi...
Thịt lợn hầm sâm cao ly: Thịt lợn nạc 100g, sâm cao ly 10g, a giao 12g. Cách chế: Sâm cao ly rửa sạch, thái phiến; a giao thái vụn; thịt lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả cho vào bát, chế đủ nước rồi đem hầm cách thủy chừng 2 – 3 giờ là được, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Bổ dưỡng khí huyết, an thai, dưỡng thai. Dùng thích hợp cho thai phụ bị động thai thể “khí huyết lưỡng hư” biểu hiện bằng các triệu chứng như hình thể gầy yếu, sắc mặt nhợt nhạt, ngại hoạt động, hay có cảm giác hồi hộp trống ngực, âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt, lưng đau gối mỏi... Những trường hợp đang sốt do cảm mạo hoặc có chứng huyết nhiệt thì không nên dùng bài này.
Cật lợn nấu đỗ trọng: Cật lợn 2 quả, đỗ trọng 12g. Hai thứ nấu chín ăn cật lợn và uống nước cốt. Công dụng: Bổ thận an thai, dùng tốt cho trường hợp động thai thể “tỳ thận hư nhược”, biểu hiện là âm đạo ra huyết sắc nhợt, lưng đau nhiều, tai ù, đầu choáng mắt hoa, tiểu tiện nhiều lần, tiểu đêm nhiều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt.
Dạ dày lợn hầm hạt sen: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen 50g. Hai thứ hầm chín làm canh ăn. Công dụng: Bổ khí huyết, an thai, dùng cho trường hợp động thai thể “âm hư nội nhiệt”, biểu hiện là âm đạo xuất huyết sắc đỏ tươi, lưng bụng đau chướng, tâm trạng bồn chồn không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ.
Cháo lợn nạc + củ mài: Thịt lợn nạc 50g, hoài sơn (củ mài) 100g, gừng tươi 5g. Hoài sơn và thịt lợn thái miếng, gừng đập dập, tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Kiện tỳ, hòa vị, ôn trung cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa chán ăn, toàn thân mỏi mệt, đại tiện lỏng loãng.
Lưu ý, phụ nữ đang mang thai nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu, không nên ăn các đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu, gừng, hẹ, quế, hồi, rượu, thuốc lá... Chú ý giữ vệ sinh ăn uống để phòng tránh viêm dạ dày, ruột dễ dẫn tới sẩy thai.