Cá, cua, ốc ở Hà Nội nhiễm kim loại độc hại sức khỏe

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, xuất hiện thông tin thủy sản nhiễm kim loại độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ khiến không ít người dân hoang mang và lo lắng.

Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng đã tiến hành khảo sát tại 120 hồ ao, đầm, thủy vực tại 6 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 6 hồ đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn lại ô nhiễm nặng trong khi, đó là nơi cung cấp thủy sản cho thị trường Hà Nội.
Còn theo các nhà khoa học ở ĐH Y Hà Nội, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome...
Trong đó, nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp từ 150-250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn”. Trong khi cá chép, rô phi, mè được coi là “an toàn” thì cũng có tới 50-60% không đạt tiêu chuẩn do WHO đặt ra.
 
Trước những công bố này, không ít các bà nội trợ đã “nói không” với thuỷ sản đang được bày bán ở Hà Nội, còn các tiểu thương buôn bán những mặt hàng này thì “méo mặt” vì ế hàng.
Chị Thảo, một tiểu thương bán thuỷ - hải sản lâu năm khi được hỏi về vấn đề này cho biết: “Hàng của chúng tôi, đặc biệt là cua ốc được chuyển từ từ các tỉnh về lấy đâu ra nhiễm kim loại từ nguồn nước. Còn các loại khác như cá, tôm nuôi thì công nhận là họ cho ăn thức ăn được chế biến từ nhà máy. Nhưng làm gì có hoá chất, chúng tôi thường xuyên ăn có làm sao đâu”.
Theo chị Thảo, trước khi đưa thông tin gì, mọi người cũng nên có kiểm nghiệm, kiểm chứng một cách khách quan. Để cho những người lao động còn đường sống. “Giờ có những thông tin đó, cua ốc, các tôm ế cả lượt, chúng tôi biết lấy gì ăn bây giờ”, chị Thảo nói.
Trước thực trạng trên, trả lời Kiến Thức ông Nguyễn Thanh Phong – Phó cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, Cục đã nắm được thông tin cho rằng: Thuỷ sản ở Hà Nội nhiễm kim loại độc hại. Ngay sau khi nắm được thông tin trên, Cục đã yêu cầu tiến hành kiểm tra ngay lập tức.
Theo đó, Cục đã yêu cầu Chi cục ATVSTP thành phố Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản lấy mẫu giám sát thủy sản, sản phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, cadimi) nhằm xác minh thông tin, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đồng thời, Cục cũng đã yêu cầu phải tổng hợp, báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 30 tháng 3 năm 2014.
Trước tình trạng thủy sản nhiễm kim loại như vậy, PGS.TS Phạm Duy Tường, thành viên nhóm nghiên cứu cảnh báo với hàm lượng nhiễm độc cao như chrome, nikel có thể gây nhiễm độc gan, thận đồng thời làm tổn hại hệ hô hấp.
Còn đối với chì, theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào cơ thể với mức nào thì chì cũng có hại cho sức khỏe. Bởi nếu tích tụ lâu dài, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sẩy thai...
Riêng với trẻ em, chì có tỷ lệ nghịch với sự phát triển chỉ số thông minh, chỉ cần nồng độ trong máu là 100microgam/lít cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Còn ở người lớn là 250microgam/lít, thận, hệ thần kinh… đã bị phá hủy, nếu cao hơn nữa, có thể hôm mê và tử vong.
Hoàng Anh/Petrotimes
Lê Phương

Bình luận(0)