Trong 2 ngày 27 và 28/7, Bộ Y tế đã nhận được phản ánh về tình trạng, một số bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội sử dụng các máy xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng và không đúng với chức năng, tác dụng của thiết bị.
Điển hình nhất sự việc đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện vào ngày 27/7, tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín (Hà Nội). Theo đó, tại bệnh viện này đang sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19, hiện máy được đặt tại Khoa Xét nghiệm của bệnh viện.
Lý giải về sự xuất hiện của chiếc máy, phía bệnh viện cho rằng, đây là chiếc máy được "mượn" của một công ty bên ngoài. Vì các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang bị hỏng, trục trặc không sử dụng được.
Ngay sau khi phát hiện sai phạm trên, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy chiếc máy này vì là loại thiết bị không có chứng từ nguồn gốc, dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
|
Chiếc máy xét nghiệm bị cơ quan chức năng phát hiện tại BV ĐK Thường Tín. |
Trước tình trạng sử dụng máy móc như trên, chiều ngày 28/7, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thành lập đoàn thanh tra để điều tra báo cáo lại Bộ sự việc các bệnh viện tuyến huyện ngang nhiên sử dụng các máy xét nghiệm cũ để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhằm trục lợi, chia chác với các doanh nghiệp.
Xác nhận về thông tin này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội mới nhận được công văn số 4913 của Bộ Y tế yêu cầu điều tra làm rõ sự việc này.
Ngay sau khi nhận được công văn của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập ngay các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm tiếp tục triển khai mở rộng việc kiểm tra đối với các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hành vi sử dụng thiết bị y tế quá date, không rõ nguồn gốc.
Được biết, một số bệnh viện như: Bệnh viện đa khoa Thường Tín, Hoài Đức, Vân Đình, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thạch Thất... là những bệnh viện đầu tiên được thanh tra vì có nghi ngờ liên quan đến việc mua bán máy móc cũ, dung túng cho các doanh nghiệp khác buôn bán hóa chất để cung cấp cho máy cũ lấy tiền ăn chia.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và giao cho Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư để cung cấp các thiết bị khám chữa bệnh cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện của thành phố Hà Nội nhằm giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Được biết, gói thầu với trị giá khoảng 30 tỷ đồng và nguồn tiền này được lấy từ trái phiếu Chính phủ.
Liên quan đến việc sử dụng các thiết bị xét nghiệm, máy móc không đảm bảo tiêu chuẩn, quá date … trong các dịch vụ y tế sẽ để lại hậu quả nặng nề đối với bệnh nhân.
“Việc sử dụng máy móc cũ, không đảm bảo chất lượng và sự đồng bộ trong xét nghiệm thì người bệnh là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất. Bởi máy móc cũ kỹ sẽ cho kết quả xét nghiệm chậm hoặc nặng hơn có thể là sự không chính xác trong các kết quả xét nghiệm.
Từ việc kết quả không chính xác đó, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phắc đồ điều trị không phù hợp với bệnh nhân…Điều đó sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề”, đó là ý kiến của một bác sĩ ( xin được giấu tên) khi được hỏi về hậu quả của việc sử dụng máy móc, thiết bị kém chất lượng.