Bị ngộ độc, phải làm gì đầu tiên?

Google News

Có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài, hoặc uống một cốc lớn nước muối loãng...

Điều quan trọng nhất là gây nôn ngay lập tức cho bệnh nhân, nhưng tuyệt đối không được làm điều này nếu bệnh nhân hôn mê.

Có những việc phải làm ngay lập tức nếu phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc nặng. Điều này rất quan trọng, thậm chí có ý nghĩa sống còn. Nếu bỏ qua, nạn nhân có thể mất mạng, hoặc phải chịu những di chứng nặng nề, điều trị lâu mới hồi phục.

Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm là đau bụng quằn quại, nôn nhiều, tiêu chảy... Yêu cầu cấp bách lúc này là thải loại chất độc ra ngoài càng nhanh càng tốt, không để thức ăn nhiễm độc ở lâu trong đường tiêu hóa, ngấm vào cơ thể, gây hại trầm trọng hơn. Nói rõ hơn là phải gây nôn cho nạn nhân.
d
Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm là đau bụng quằn quại. Ảnh minh họa.

Có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài, hoặc uống một cốc lớn nước muối loãng, rồi dùng tay hoặc thìa đè vào cuống lưỡi để nôn ra càng nhiều càng tốt.

Người bị ngộ độc thường mất một lượng nước khá lớn do nôn và tiêu chảy. Sau mỗi lần như vậy, nên cho uống bù dung dịch oresol (pha một gói oresol với 1 lít nước), nước cháo, nước cam, nước dừa…

Cũng có thể pha nửa thìa cà phê muối, 4 thìa cà phê đường với 1 lít nước cho bệnh nhân uống. Ngoài việc bù nước và điện giải, việc uống các dung dịch kể trên còn giúp pha loãng bớt chất độc trong cơ thể bệnh nhân, hạn chế tác hại xuống mức tối thiểu.

Nếu ngộ độc nhẹ, sau khi gây nôn, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, thường xuyên bù nước. Nhiều người lầm tưởng rằng người bị ngộ độc thực phẩm cần nhịn ăn, chỉ nuôi dưỡng bằng truyền đạm, truyền nước hoặc chỉ ăn cháo muối “cho nó lành”.

Thực ra, bệnh nhân vẫn cần được cung cấp chất dinh dưỡng, chỉ phải lưu ý cho ăn những thứ mềm, nhẹ, dễ tiêu, không ăn quá no để tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa đang ốm yếu là được.

Nếu cảm thấy không yên tâm, sau khi gây nôn, nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ để khám và rửa ruột nếu cần. Nhất thiết phải đến bệnh viện nếu bệnh nhân sốt cao, hoặc đau bụng dữ dội không giảm, tiêu chảy nhiều, mất nước nặng, phân có máu… vì những trường hợp nặng như vậy phải được điều trị bằng các biện pháp chuyên khoa đặc hiệu.

Lưu ý: Nhất thiết không được kích thích gây nôn cho những bệnh nhân đang hôn mê vì rất dễ xảy ra tình trạng sặc thức ăn vào đường thở, rất nguy hiểm.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
[links()]

Bình luận(0)