Bệnh viện chuyên trị bệnh lạ

Google News

(Kiến Thức) - Ngành y có nhiều chuyên ngành, mỗi chuyên ngành đều có những nét đặc trưng riêng. Có ngành nghe là thấy mê ngay nhưng cũng có ngành, nghe là thấy là… lạ và sợ. 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, báo điện tử Kiến Thức có cuộc trò chuyện với Thầy thuốc ưu tú -TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM…
Trị bệnh quen mà lạ
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới chuyên trị bệnh lạ?
- (Cười) Tuy lạ mà quen, tuy quen mà lạ. Bệnh lạ là vì những ca bệnh đầu tiên mới xuất hiện của một loại dịch bệnh nên người dân, xã hội chưa biết là bệnh gì. Ví dụ như cúm gia cầm H5N1, cúm A/H1N1, bệnh “amib ăn não”… sau khi được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, nghiên cứu thì mới biết đó là bệnh gì. Các bệnh dịch xuất hiện do đó thường là các “bệnh lạ”, được chia làm 2 loại, một là nhóm bệnh thật sự mới (nhóm bệnh mới trỗi dậy) và các bệnh dịch tái trỗi dậy, đa phần các bệnh này lại có thể gây tử vong nhanh nên lại càng làm hoang mang. Bệnh nhiễm có tính thách đố cao với người thầy thuốc là như vậy!
- Bệnh lạ, khó chữa mà nhóm người nghèo lại hay mắc?
- Đúng là bệnh nhiệt đới có phần nào liên quan đến môi trường điều kiện sống. Chúng tôi thường tiếp nhận nhiều ca ở vùng sâu vùng xa, nghèo khó, không có bảo hiểm y tế, hầu như không tiêm ngừa phòng bệnh nên khi bệnh lại là bệnh nặng. Do nghèo nên khi bệnh nặng lắm rồi mới đến BV. Lúc đó chi phí điều trị rất cao, do phải làm các chẩn đoán chuyên sâu, dùng thuốc đặc trị, thậm chí là phải nhiều ca phải thở máy, lọc thận như những ca sốt rét nặng, uốn ván, viêm não...
 TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đang trò chuyện với phóng viên.
- Và kinh phí lại càng khó khăn, thưa bác sĩ?
- Đúng là nhiều cái khó dồn lại, tuy nhiên chúng tôi không thể bỏ rơi bệnh nhân mà phải tìm mọi cách để xoay xở như phải sử dụng một phần kinh phí hoạt động của bệnh viện để bù vào, kêu gọi hỗ trợ các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân, nhờ báo chí chung tay giúp đỡ.
- Nhiễm đồng nghĩa với nguy cơ lây. Đã có sự cố đối với y bác sĩ trong quá trình điều trị?
- Chuyên ngành nhiễm rất đặc biệt, bởi vì thường xuyên tiếp xúc với các bệnh lây! Vì sợ lây, vì nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm là có thật nên cứ đến bất cứ một bệnh viện đa khoa nào cũng vậy, chúng ta sẽ nhận ra khoa nhiễm luôn được bố trí nằm trong tận cùng, cách biệt hẳn so với các khoa khác, thường là gần….khu nhà xác! Việc cái thầy thuốc ở đây bị lây bệnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Còn tâm trạng của nhân viên y tế khoa này không nói cũng biết họ nhiều trăn trở thế nào.
Những người “giữ lửa”
- Nghe thấy nhiễm là ghê rồi. Sao BS lại chọn chuyên ngành này?
- Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 1990, tôi đậu BS nội trú và được phân công về chuyên ngành truyền nhiễm. Với tôi, lúc bấy giờ suy nghĩ rất đơn giản, nhiễm là bệnh phổ biến của xứ nhiệt đới, như vậy không sợ thất nghiệp!
Có lẽ tôi đứng vững và theo đuổi nghề nghiệp trong suốt 24 năm qua là do tôi đã được đứng trong một đội ngũ của các thầy cô, các bậc đàn anh và đồng nghiệp cùng chuyên ngành. Thầy tôi, cố GS.BS Nguyễn Duy Thanh, người đã có công đặt nền móng đào tạo các thế hệ BS chuyên khoa truyền nhiễm cho khu vực phía Nam, cùng với các lớp đàn anh đã xây dựng được một bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm cũng như một mạng lưới các BS chuyên khoa nhiễm cho các BV trong khu vực, một tập thể những người thầy thuốc gắn bó với nghề, không nề hà khó khăn, nguy hiểm, tận tâm phục vụ cho bệnh nhân với yêu cầu chuyên môn ở mức cao nhất có thể. Ngay từ khi còn là BS nội trú tôi đã được các thầy, các đàn anh “truyền lửa” cho khi cùng tham gia chống dịch bệnh qua những chuyến đi về các tỉnh vùng sâu vùng xa.
- Và rồi đi riết, đụng ổ dịch hoài các anh cũng…hết sợ?
- (Cười) Cái “nghiệp” là chỗ đó. Các thầy “truyền lửa” và nay chúng tôi đang là những người “giữ lửa”. Có đi chống dịch mới thấy người thầy thuốc cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt bệnh cho người dân. Sau này khi tham gia các chương trình nghiên cứu y học bệnh truyền nhiễm với các tổ chức quốc tế, đặc biệt với ĐH Oxford Anh Quốc, tôi ngày càng say mê chuyên ngành này hơn. Với chúng tôi, bệnh truyền nhiễm luôn là một thách thức bất tận của y học, cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm mãi là cuộc đua không có hồi kết giữa sự hiểu biết của con người nhằm tìm ra biện pháp trị bệnh hiệu quả và sự tinh ranh biến đổi đề kháng lại của các tác nhân vi sinh vật, vốn hiện diện vô cùng trong môi trường quanh ta và luôn tiến hóa trong cuộc cạnh tranh sinh tồn của thế giới tự nhiên suốt hàng triệu năm qua.
- Trải nghiệm nào nào làm bác sĩ nhớ nhất?
- Kỷ niệm đối với nghề thì nhiều, vui có, buồn cũng không ít. Có lẽ kỷ niệm tôi không thể nào quên là năm 1993 khi tôi lần đầu tiên tham gia cùng BV chống dịch thương hàn ở xã Anh Minh, tỉnh Kiên Giang. Lần đầu tiên ra khỏi 4 bức tường trường đại học - bệnh viện, lần đầu tiên đi về một xã vùng sâu chưa có điện, chưa có nước máy, phải qua nhiều chuyến phà… có dịp được đi chung xe với những “người lớn” rất nổi tiếng lúc bấy giờ như cô Đoàn Thúy Ba - Thứ trưởng Bộ Y tế. Tại trạm y tế xã Anh Minh, mỗi ngày chúng tôi khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân đi tắc ráng (ghe máy) nhiều giờ từ những vùng đồng sâu ra. Tôi lần đầu tiên được học cách sử dụng những thiết bị “thô sơ dã chiến” như nồi hấp bánh bao để thực hiện cấy máu nhanh chóng phát hiện vi khuẩn thương hàn ngay tại thực địa! Tôi có dịp đối chiếu những kiến thức trong sách vở với thực tế, được bắt đầu tập tễnh tham gia nghiên cứu khoa học về vi khuẩn thương hàn đa kháng kháng sinh. Đây là những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của mình…
Xin cảm ơn Bác sĩ!
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối phía Nam về các bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm vùng nhiệt đới. Bệnh viện được xây dựng lâu đời nhất tại TP.HCM (152 năm, khi ấy có tên là Bệnh viện Chợ Quán), rộng 4,6 ha nằm giữa quận 1 và quận 5. BV BNĐ còn có Khu trại giam nằm trong khuôn viên bệnh viện. Ngày 26/8/1931 đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) sau khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man đến lâm trọng bệnh và đã hy sinh tại đây. Ngoài đồng chí Trần Phú còn có các đồng chí như: Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi,… trong suốt hai hời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã từng bị giam giữ nơi đây.

Bùi Hương (thực hiện)

Bình luận(0)