Thời gian gần đây, Bệnh viện nhi Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị hóc, mắc dị vật đường hô hấp và đường tiêu hóa, không ít trẻ được đưa đến trong tình trạng xuất huyết vùng họng, đường thở, nguy kịch đến tính mạng.
Theo các bác sĩ, dị vật đường hô hấp và đường tiêu hóa ở trẻ em là những tai nạn sinh hoạt có thể tránh được nhưng lại rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Lỗi không phải do trẻ mà phần nhiều chính bởi sự bất cẩn của các bậc phụ huynh.
Điển hình gần đây nhất là ngày 8/7 vừa qua, Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi Hà Vũ M.Q. (2 tuổi, ở Thái Bình), lấy ra dị vật là mảnh xương gà kích thước 22x23x5mm.
Bệnh nhi Q. vào viện trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho nhiều. Theo gia đình kể lại, trước đó khoảng 1 tháng, cháu có sốt, ho thành cơn, khò khè, khản tiếng và được đưa vào bệnh viện Nhi Thái Bình điều trị với chẩn đoán viêm phế quản nhưng không đỡ và được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương.
Ths.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi vào viện, bệnh nhi được chẩn đoán là viêm thanh khí phế quản cấp. Trẻ được điều trị kháng sinh, giãn phế quản, khí dung, nhưng sau 1 tuần tình trạng bệnh nhi vẫn không tiến triển.
|
Dị vật là miếng xương gà được gắp ra từ thực quản của bé Q. Ảnh: BV Nhi TƯ. |
Các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản thì phát hiện bệnh nhi bị hẹp khí quản do chèn ép từ ngoài vào. Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy có áp xe thực quản do dị vật gây hẹp lòng thực quản và khí quản. Tiếp tục chụp thực quản cản quang thì có hẹp nhẹ thực quản.
Sau đó, bệnh nhân được tiến hành nội soi thực quản gắp dị vật nhưng do dị vật kích thước lớn, găm sâu vào thành thực quản, khiến việc gắp dị vật ra rất khó khăn, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, nên các bác sĩ đã tiến hành mổ mở và lấy được dị vật là mảnh xương gà kích thước 22x23x5mm. Khai thác lại bệnh sử, gia đình cũng hoàn toàn không rõ trẻ bị hóc xương từ khi nào và vì sao.
BS Dương cho biết, hiện tại, bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, điều trị chống nhiễm trùng và tiếp tục theo dõi.
Trước đó, một bé trai 12 tháng tuổi ở Hà Nội cũng được các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương cứu sống khi gắp ra được mảnh xương lợn có trong thực quản. Khi nhìn thấy mảnh xương lợn được gắp ra, bố mẹ bé cũng không thể nhớ được thời điểm và hoàn cảnh khiến con mình bị hóc xương.
Gia đình chỉ cho biết, bé có được ăn cháo hầm cùng xương, sau khi ăn có nôn trớ nhưng vẫn sinh hoạt bình thường. Chỉ đến khi thấy con bỗng bị sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, gia đình đã đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì mới phát hiện thực quản của bệnh nhi có dị vật. May mắn, bé trai này đã được tiến hành nội soi, gắp thành công dị vật ra mà không gây thêm bất cứ tổn thương nào. Trường hợp này nếu không được can thiệp sớm, để lâu sẽ gây ra áp-xe thực quản, dẫn tới thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ cho biết, hóc dị vật, đặc biệt dị vật xương cứng như xương gà rất nguy hiểm, dễ gây tử vong. Dị vật xương cứng, sắc nên dễ làm bệnh nhân bị viêm trung thất hoặc thủng thực quản. Trong trường hợp phát hiện trễ, quá trình viêm loét có thể làm thủng các mạch máu lớn nằm cạnh thực quản dẫn đến tử vong.
Do vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng khi chế biến thức ăn cho con em mình, phòng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trong bất kỳ trường hợp hóc xương nào, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến viện càng sớm càng tốt, tuyết đối không nên cố gắng dùng tay lấy dị vật vì có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn.