Tưởng răng rụng, ai dè nuốt xương cá

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh nhân nhập viện vì đau âm ỉ vùng bụng trái. Khám lâm sàng chỉ có đau vùng hố chậu trái khi ấn. 

 Miếng xương cá BS gắp ra từ đại tràng của bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân có đặc điểm mất nhiều răng, mới làm răng giả được 3 tháng.
Ngày 17/3, ThS.BS Hồ Hữu Đức, Khoa Ngoại Tổng Quát, BV Thống Nhất TP.HCM cho biết, các BS đã nội soi đại tràng và lấy ra được một mảnh xương cá có kích thước 2x3cm cho một bệnh nhân lớn tuổi lại mất nhiều răng nên bệnh nhân không nhớ rõ mình có nuốt phải xương cá hay là răng rụng vô bụng. Bệnh nhân là bác Nguyễn Văn N. (71 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhập viện vì đau âm ỉ vùng bụng trái. Ngoài ra, bệnh nhân bị mất nhiều răng, mới làm răng giả được 3 tháng nay. Vị trí xương cá mà bệnh nhân nuốt vào nằm ở vị trí khá đặc biệt nên khi siêu âm không nhìn thấy dị vật mà chỉ thấy có dày vách đại tràng trái. BS phải cho bệnh nhận chụp CT mới phát hiện có dị vật.
Theo ThS.BS Hữu Đức, xương cá là dị vật thường gặp nhất của ống tiêu hóa. Xương cá mắc kẹt có thể gây ra những biến chứng trầm trọng, thậm chí có thể tử vong. Nuốt xương cá thường là do vô ý, có người nuốt nhầm xương cá là do có răng giả làm giảm cảm nhận đối với vật cứng, nhọn lẫn trong thức ăn. Ngoài ra có thể gặp trong trường hợp ăn quá nhanh, người lớn tuổi, say rượu hay mắc bệnh tâm thần. 
ThS.BS Hồ Hữu Đức, khoa Ngoại Tổng Quát, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đang phẫu thuật nội soi đại tràng để gắp xương cá cho bệnh nhân. 
Xương cá có thể mắc kẹt bất cứ vị trí nào trên đường tiêu hóa như hầu, họng hay thực quản, nếu dị vật đi qua vùng này đa số dị vật sẽ vượt qua đường tiêu hóa mà không gây biên chứng. Tuy nhiên có một số trường hợp không đào thải ra được mà bị mắc kẹt ở ruột non, đại tràng. Khi bị mắc kẹt có thể gây biến chứng: nằm trong thành ống tiêu hóa tạo hiện tượng viêm dễ lầm với u đường tiêu hóa, thủng ống tiêu hóa gây tình trạng nhiễm trùng. Trường hợp này khó chẩn đoán vì không thể dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Biểu hiện lâm sàng của biến chứng của mắc xương cá không đặc hiệu. X-quang thường quy có độ nhạy thấp vì xương cá có độ cản quang thấp, hay ảnh xương cá nằm chồng lên các cấu trúc cản quang khác nên phải CT scan mới có thể thấy dị vật.
Hương Giang

Bình luận(0)