Khổ vì "ôm" máy tính triền miên
Theo lương y Phạm Hùng Dũng, giới văn phòng ăn uống thường hay vội vã, thiếu chất, không đa dạng thực phẩm, thiếu ngủ. Ăn uống không đảm bảo thì làm sao đủ hồng cầu, nên làn da cũng xấu nói chi là xương, khớp. Bên cạnh đó, giới văn phòng lại thường xuyên "ôm" máy tính ngồi liên tục, ngồi tư thế không đúng, triền miên ngày này qua tháng nọ thì bị bệnh xương khớp tấn công là đương nhiên.
Các thầy thuốc cho biết, đa số bệnh nhân bị thoái hóa khớp cổ thường kèm theo suy nhược thần kinh, làm đau cổ gáy, đau hai bờ vai, tê tay dọc theo xuống thắt lưng, nặng hơn thì xuống gối chân, khiến cho bệnh nhân mất ngủ. Để chữa bệnh này thì nhẹ thì 1 tuần, nặng thì phải mất khoảng 3 tháng. Phối hợp dùng thuốc và châm cứu, nhưng quan trọng hơn đó là sự phối hợp giữa bệnh nhân và thầy thuốc để bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.
Bệnh nhân, ngoài việc được thầy thuốc chữa bệnh (bắt mạch, châm cứu, ấn huyệt và bốc thuốc) phải thay đổi lối sống (ăn uống điều độ, luyện tập bằng những động tác thể dục tay không đơn giản...). Trong đó thói quen ăn uống rất quan trọng. Với lương y Phạm Hùng Dũng, nếu bệnh nhân đến điều trị mà không tuân thủ lời dặn của thầy thuốc mà cứ sinh hoạt vô độ, ăn uống thả cửa thì thần y cũng bó tay!
|
Lương y Phạm Hùng Dũng đang khám bệnh và châm cứu. |
Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân
Cô Nguyễn Thị Thu Loan (52 tuổi, quận 7, TPHCM) cho hay, chị bán cà phê nên cứ phải đứng và đi lại nhiều nên bị bệnh khớp, thường xuyên bị đau nhức và lại thêm bệnh bao tử. Biết được lương y Phạm Hùng Dũng, chị đến đến đây chữa trị. Chị được thầy Dũng châm cứu, bấm huyệt và hướng dẫn tập luyện, điều tiết chế độ ăn uống nên bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.
Do nơi lương y Dũng điều trị bệnh cũng là văn phòng của Hội Đông y quận 1, TPHCM nên bệnh nhân từ các địa phương khác đến chữa bệnh rất đông. Không chỉ là thầy thuốc mát tay, làm việc khoa học mà đây là nơi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người già nên bệnh nhân đến rất đông. Có người khỏi bệnh đã quay lại phụ giúp thầy chữa bệnh cho người khác.
Lương y Phạm Hùng Dũng cho biết, chế độ ăn uống và tập thể dục đối với bệnh nhân khớp là rất quan trọng. Ăn đúng giờ, phù hợp thì lượng máu tưới (nuôi) cho cơ thể mới đầy đủ, cơ thể khoẻ mạnh mới làm việc tốt. Còn ăn uống không đúng sẽ làm ứ trệ, giảm công dụng chữa bệnh nên khi chữa bệnh thì nên kiêng các món tạo men như chao, tương, sữa chua. Bệnh nhân đến đây được thầy châm cứu, bấm huyệt để đả thông kinh mạch, giúp lưu thông khí huyết, chân tay không bị tê nhức. Mỗi bệnh nhân điều trị khoảng 15 - 20 phút mỗi ngày.
Lương y Phạm Hùng Dũng cho biết thêm, không có công thức bài thuốc chung cho bệnh mà phải tùy từng bệnh nhân mà có bài thuốc cụ thể, phù hợp với sức khoẻ và công việc của họ. Đối với bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ, bài thuốc đi vào tỳ vị nên dùng quy tỳ phối hợp với lục vị.
Bài thuốc gồm có các vị như viễn chí (sao vàng 12g), trí nhân (sao đen 10g), bắc kỳ (16g), thục địa (chế 20g), đương quy (toàn quy 20g), hoài sơn (12g), sơn thù nhục (12g), trạch tả (chế gừng 12g), đơn bì (không lõi 12g), bạch phục linh (12g), cam thảo (8g), nhục thung dung (chế rượu muối 16g), ngưu tất (12g), độc hoạt (sao vàng 12g), bạch truật (sao vàng 12g), xuyên khung (8g), bạch trĩ (10g), đại táo (3 trái). Mỗi thang sắc uống 2 lần trong ngày, sắc lần nào uống lần đó, đổ 3 bát còn lại 8 phân (1 bát lưng), uống khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc này có các vị thuốc giúp hoạt huyết, giảm đau, làm mát dễ ngủ, sinh tinh, dưỡng thần kinh. Bài thuốc trên có công dụng kiện tỳ, bổ thận, sinh tinh, an thần rất tốt cho các bệnh nhân thoái hóa khớp cổ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải luyện tập thêm các động tác vai, cổ mới không bị tái lại.
Lương y Nguyễn Minh (Hội Đông y TPHCM)