Vụ cháu bé 16 tháng tuổi chết tức tưởi sau mũi tiêm của bác sĩ Phạm Văn Sơn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Thường Tín tại phòng khám tư không phép của ông này, đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, nhất là trước đó từng có bé tử vong với lý do tương tự. Vậy, trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc này đến đâu, từ bác sĩ trực tiếp tiêm thuốc cho cháu bé, tới những cơ quan, cá nhân liên quan?
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, hành vi sai phạm có thể nhìn thấy ngay của bác sĩ Phạm Văn Sơn là khám chữa bênh khi chưa có giấy phép. Điều này vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 11 Luật doanh nghiệp, vi phạm Khoản 2 Điều 6 Luật khám chữa bệnh.
|
Bệnh viện Đa khoa Thường Tín nơi bác sĩ Sơn công tác. |
Trước đó, bác sĩ Sơn từng bị xử phạt hành chính về hành vi này. Do vậy, chế tài đầu tiên mà bác sĩ Sơn phải chịu - đó là có thể bị xử lý về tội “kinh doanh trái phép” theo quy định tại Điều 159 BLHS ở Khoản 1 với mức hình phạt cao nhất là cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Nếu trong quá trình điều tra mà phát hiện thêm những tình tiết định khung khác được quy định tại Khoản 2 điều này như “lợi dung danh nghĩa cơ quan, tổ chức; thu lợi bất chính lớn…” thì có thể bị xử lý theo khoản 2 với mức hình phạt cao nhất là 02 năm tù.
Ngoài ra thì cần khám nghiệm làm rõ cái chết của cháu bé có nguyên nhân là gì? Nếu cái chết này có nguyên nhân do bác sĩ Sơn vi phạm một số hành vi bị cấm tại Điều 6 Luật khám chưa bênh là: “Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh; Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh” dẫn đến gây thiệt hại cho tính mạng của người khác thì bác sĩ Sơn còn có thể bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…” theo quy định tại Điều 242 BLHS với mức hình phạt cao nhất theo quy định tại Khoản 1 là 05 năm tù.
Khoản 2 điều này áp dụng cho trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn về “gây hậu quả rất nghiêm trọng” đối với tội danh này, tuy vậy có thể tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cho tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS) để coi trường hợp làm chết 02 người là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Do vậy, nếu trước đây bác sĩ Sơn từng làm chết một người cũng vì lý do vi phạm quy định về khám, chữa bệnh thì có thể xử lý bác sĩ Sơn theo quy định tại Khoản 2 với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Về trường hợp gây cái chết cho 02 người ở hai thời điểm khác nhau thì cũng cần nói rõ để độc giả hiểu là trường hợp này, nếu bác sĩ Sơn hoạt động có giấy phép, nhưng vi phạm các quy định khác trong hoạt động khám chữa bệnh dẫn đến chết người như đã nêu trên thì bị coi là “phạm tội nhiều lần” – một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 BLHS. Tuy nhiên, thời điểm đó, bác sĩ Sơn cũng hoạt động không có giấy phép, tức là hành vi phạm quy định về khám chữa bệnh này vẫn diễn ra và kéo dài đến khi gây ra cái chết thứ hai. Do vậy, trường hợp này phải gộp lại để xử lý bằng tình tiết định khung là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” như đã nói.
Về trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động quản lý Nhà nước, như Phòng Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và Sở Y tế Hà Nội, thì tùy từng mức độ lỗi mà cá nhân liên quan có thể bị xử lý các mức khác nhau. Chế tài cao nhất có thể là xử lý hình sự về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 BLHS với mức hình phạt cao nhất theo quy định tại khoản 1 cho trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng là 05 năm tù.
Theo ý kiến một luật sư khác, theo quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, việc một phòng khám tư mở ra trên địa bàn thì trước tiên, phòng y tế quận, huyện có trách nhiệm thanh kiểm tra xem phòng khám có tuần thủ các quy định của pháp luật không. Nếu phòng khám không có giấy phép hoạt động kinh doanh thì phòng y tế quận, huyện có thẩm quyền xử phạt và yêu cầu phòng khám đóng cửa cho đến lúc có đủ điều kiện để hoạt động lại. Nếu phòng y tế quận huyện giải quyết không triệt để thì trách nhiệm về quản lý trước tiên thuộc về phòng y tế quận, huyện, sau đó mới đến Sơ Y tế và các cơ quan liên quan khác.