|
Vợ chồng ông Kiệm đứng trước căn nhà tuềnh toàng của mình. |
|
Ông Kiệm dắt bà Suốt đi tìm chỗ mò cua bắt ốc. |
Kết thúc chiến tranh biên giới 1978, ông Kiệm về quê mang trong mình căn bệnh động kinh, trí tuệ sa sút, thường xuyên co giật liên hồi. Cứ tưởng ông sẽ mãi sống cô độc nhưng số phận đã đẩy đưa se duyên cho ông lấy bà Suốt, một người con gái cùng làng nhưng bị mù lòa.
Hai vợ chồng chung sống với nhau có 2 người con trai. Nhưng gia cảnh nghèo nàn nên người con trai cả lớn lên, lấy vợ rồi phải ở rể. Còn người con trai út cũng xây dựng ra đình riêng, hoàn cảnh cũng đói nghèo không giúp được gì cho bố mẹ.
Bà Suốt nghẹn lời: “Tôi cấy hơn sào ruộng nhưng chăm bón thất thường, năng suất không đạt là bao, không đủ mà ăn. Giờ hai vợ chồng già chúng tôi chỉ còn biết bám vào bùn lầy, con mương, mò mẫm nhặt nhạnh lấy từng con ốc bươu vàng mang đổi lấy gạo ăn qua ngày thôi, không đi không có cái mà ăn chú ạ”.
|
Vì bệnh tật, ông Kiệm không lội nước mò cùng vợ được, ông chỉ có thể đỡ đần bà đi lại, lên xuống mương ngòi. |
Thương vợ mùa lòa vất vả, những khi khỏe ông Kiệm vẫn cố gắng làm hết việc nhà rồi dắt vợ ra mương bắt ốc. Căn bệnh động kinh khốn khổ không cho ông lội xuống nước cùng mò với vợ nên ông chỉ dám ngồi trên bờ hướng dẫn vợ sờ mò từng bờ bụi, hang cua.
“Có hôm ông ấy thương tôi quá liền đánh liều lội xuống mò cùng, căn bệnh quái ác bỗng dưng lại tái phát khiến chồng tôi lăn đùng ra co giật giãy giụa, suýt chết ngạt dưới nước. May mắn lúc đấy tôi tri hô, mọi người kịp thời xúm lại kéo ông ấy lên”- bà Suốt ngậm ngùi kể.
Cứ 5h00 mỗi sáng, hai vợ chồng ông bà dậy sớm, nón mũ đưa nhau ra hồ đập cách nhà 2 cây số để kiếm cái sinh nhai. Đến 8h00 họ lại vội vã đưa nhau trở về cho kịp phiên chợ Nguyễn bán mấy thứ kiếm được.
Buổi chiều họ lại tiếp tục dắt nhau đi khắp nẻo cánh đồng mò cua bắt ốc. Nhiều khi do rét buốt quá mà chân bước đi không nổi, ngã quỵ mãi đến tối mịt mới đưa được nhau về tới nhà. Mỗi ngày như thế, ông bà mang về vài dụm ốc nhỏ, hai ba cân trai kiếm được chừng 15 – 20 nghìn đồng.
Giọng chậm chạm, ú ớ ông Kiệm rớm lệ cất lời: “Nhiều lúc nhìn bà ấy tôi thương lắm, chỉ ngồi vệ bờ xem bà ấy mò rồi khóc. Có khi bà ấy mò gần hết nửa ngày mà vẫn chưa được con nào cả, mặt thì tái xanh đi vì rét buốt đấy”.
Mỗi khi thấy bà Suốt rét quá, ông Kiệm lại gọi vội bà lên bờ rồi đốt mồi rơm sưởi ấm, xoa bóp chân tay lấy lại dần hơi ấm. Ông Kiệm bảo, có hôm vì mải lần mò, bà Suốt bị mảnh chai thuốc sâu cứa vào chân khiến máu chảy ra nhiều, ông phải lụi cụi băng bó cho bà rồi hai vợ chồng đành về không.
|
Thương vợ lạnh cóng, ông Kiệm đốt lửa để hơ ấm. |
Ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng thôn Đồng Văn cho biết: “Hoàn cảnh ông bà Kiệm là trường hợp khó khăn đặc biệt ở đây. Ngôi nhà ông bà đang ở là do các ban, ngành, đoàn thể chung tay xây dựng từ nhiều năm về trước. Hiện tại số tiền trợ cấp hàng tháng cho ông là 180.000 đồng. Tuy nhiên với thân già ốm đau bệnh tật như vậy, số tiền ấy thật không thấm là bao, mong các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ ông bà ấy bớt khổ”.
Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:
1. Ông Nguyễn Văn Kiệm, thôn Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam.
2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển đến tận tay.
Trân trọng!
|