Tại hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” các nhà nghiên cứu đưa ra hai luồng ý kiến khác nhau: Một nhóm tác giả cho rằng có cung điện Đan Dương tại Huế- sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác đã phản bác điều này.
Hội thảo do Sở VHTTDL và Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Thừa Thiên- Huế tổ chức vào chiều 30.10. Đây là hoạt động nhằm đánh dấu chặng đường nghiên cứu về một di tích quan trọng thời Tây Sơn có liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung.
|
Các nhà nghiên cứu khảo sát những dấu tích cung điện Đan Dương sáng 30/10. Ảnh An Sơn. |
Lăng vua Quang Trung ở Huế?
Trong số 9 nhà nghiên cứu viết bài tham luận tại hội thảo, có 5 người cho rằng có cung điện Đan Dương- sơn lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung tại Huế và đề xuất hướng bảo tồn, phát triển du lịch. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Hội KHLS Thừa Thiên- Huế) dựa trên tài liệu của một số nhân chứng phương Tây cho rằng chúa Nguyễn Phúc Khoát có xây cung điện ở Nam sông Hương, tức phủ Dương Xuân. Trên cơ sở đó, cùng với tư liệu trong nước, ông Xuân khẳng định, cung điện này nằm gần chùa Thiền Lâm (150 Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP.Huế).
Ngoài ra, từ một chú thích trong bài thơ “Cảm Hoài” của Ngô Thời Nhậm cho biết là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”, ông Xuân nói Đan Dương là tên của một cung điện tương ứng với cung điện trên. Mặt khác, theo ông Xuân, thượng thư thời Cảnh Thịnh của vương triều Tây Sơn là Phan Huy Ích trong một bài thơ cho biết, quân quan Thái sư Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh cơ có chú thích “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu”. Với thông tin này, ông Xuân khẳng định, lăng được triều đình cử người canh giữ đó là lăng của hoàng đế Quang Trung, có địa chỉ rất gần với chùa Thiền Lâm.
Kết nối từ những bí ẩn của lịch sử, ông Xuân cho biết, phủ Dương Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát qua thời “binh loạn” bị “mất tích” là vì Tây Sơn chọn làm cung điện đặt tên là Đan Dương và sau khi vua Quang Trung qua đời, cung điện này là nơi an táng nhà vua.
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định cung điện Đan Dương là nơi chôn cất Hoàng đế Quang Trung. Ảnh An Sơn. |
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh (Hội KHLS Thừa Thiên- Huế) cho rằng, ngoài bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thời Nhậm có chú thích “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”, thì trong bài “Văn tế vua Quang Trung”, hoàng hậu Ngọc Hân cũng nhắc đến điện Đan Dương (Cung Đỏ): “Sương pha Cung Đỏ, hoen phấn mờ sương”. Ngô Thời Nhậm trong bài thơ “Đạo ý” cũng có viết ba chữ “Vọng Đan Dương” như là một danh từ riêng, nên ông Vĩnh cho rằng Phú Xuân- Huế có tồn tại một cung điện Đan Dương.
TS. Nguyễn Nhã (Hội KHLS Việt Nam) cũng tán thành kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đắc Xuân và đề xuất giải pháp phát triển du lịch ở vùng cố đô Phú Xuân của vương triều Quang Trung.
Chưa đủ chứng cứ khoa học
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (Hội KHLS Thừa Thiên- Huế) đã rất công phu trong việc khảo tả các văn bản chữ Hán của Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích cùng một số trước tác khác có đề cập về hai chữ “Đan Dương” và đã đưa ra kiến giải khác. Tác giả này cho rằng, cả 2 bài thơ của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích đều là văn bản không chuẩn. Câu thơ quan trọng nhất được nhiều người trích dẫn là “Đan Dương cung điện phụng ngã (2 chữ để trống) tiên hoàng tàng bảo y chi sơn…”, chữ “ngã” tự dạng rất giống chữ “vũ”. Nếu có bản gốc đầy đủ số chữ và chính xác từng chữ thì không thể dịch là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng kính giữ bảo y tiên hoàng ta”.
Về nguyên tác của Phan Huy Ích, ông Huy cho biết, có chữ “Nghi” do viết nhầm nên bị gạch và viết thêm chữ “Tuyên” (Bùi Đắc Tuyên). Ông Huy nói, văn bản này do người đời sau chép và chú giải thêm vì thơ xưa không có chú thích. Tác giả này cũng khẳng định hai chữ “binh loạn” được ghi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” là để chỉ sự kiện quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân đầu năm 1775, còn về Tây Sơn sử sách triều Nguyễn đều gọi là “ngụy”. Cũng theo ông Huy, chùa Thiền Lâm vào đầu thế kỷ XIX được trùng tu khang trang, nên những di vật của ngôi chùa cổ này la liệt khắp nơi là do chùa bị phá vào cuối thế kỷ XIX khi mở Nam Giao tân lộ (nay là đường Điện Biên Phủ, TP.Huế). Về chữ “Tiên” xuất hiện tại khu vực này không đủ cơ sở để kết luận có liên quan đến công chúa Ngọc Hân.
Nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã công phu khảo sát các văn bản chữ Hán để tìm ra giá trị đích thực của các bài thơ Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích liên quan đến cung điện Đan Dương. Theo ông Quang, các văn bản này đều do người đời sau sao chép, phần lớn là từ thời Tự Đức về sau nên độ tin cậy không cao. Tác giả đã đưa ra 5 văn bản có chữ “Đan Dương” và chứng minh “Đan Dương” hoặc “Đan Lăng” là danh từ chung, là nhằm chỉ lăng tẩm của bậc đại vương chứ không phải tên ngôi lăng của vua Quang Trung. Nếu “đan” là chỉ màu son đỏ, thì ngôi điện, ngôi lăng ở đây chỉ về màu sắc chứ không có ý đề cập đến khu di tích thuộc về hoàng đế Quang Trung.
Theo PGS.TS Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam), nhóm thừa nhận cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương tuy đã trưng dẫn nhiều tư liệu quan trọng và lý giải theo hướng chứng minh nhưng vẫn chưa đủ chứng cứ để xác lập tuyến di tích kết nối theo dòng lịch sử từ phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn đến cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương thời Tây Sơn. “Việc phá hủy các công trình kiến trúc ở khu vực ấp Bình An cho là diễn ra sau khi triều Tây Sơn sụp đổ (1801) là chưa thuyết phục. Những di vật, văn bản sưu tầm tại địa phương cùng địa danh và truyền thuyết ở vùng đất này để lại chưa thể xác lập về một khu di tích thời Tây Sơn. Vấn đề tiếp cận văn bản Hán Nôm có liên quan đến Đan Dương còn hạn chế và có phần sai sót nên khẳng định về cung điện Đan Dương là hơi sớm”- ông Bang khẳng định.