Sự thật ít biết về Viên Minh Viên

Google News

(Kiến Thức) - Quá trình xây dựng lại Viên Minh Viên – di tích được mệnh danh là “Vườn của muôn vườn” tại Trung Quốc ẩn chứa nhiều bí mật không hẳn ai cũng biết.

Viên Minh Viên, một di tích lịch sử nổi tiếng ở Bắc Kinh được xây dựng thời Khang Hy năm 48 (nhà Thanh). Viên Minh Viên thuộc quận Hải Điện, Bắc Kinh, từ lâu được biết đến là một di tích lịch sử nổi tiếng Trung Quốc. Nơi đây được ngợi ca là “Vườn của vạn vườn”, “Vườn của muôn vườn” hay "Vườn chúa tể của vạn vườn" gồm ba khu là Viên Minh Viên, Trường Xuân Viên, Kỳ Xuân Viên (sau này đổi thành Vạn Xuân Viên) tạo thành “Viên Minh Tam Viên” với 123 thắng cảnh kỳ quan, trong đó Viên Minh Viên có 69 thắng cảnh, Trường Xuân Viên 24 và Vạn Xuân Viên 30. Tổng diện tích trên 3,5 triệu mét vuông, dài hơn 10 km. Viên Minh Viên có 19 cổng, 5 đập nước, hơn 140 tòa kiến trúc cổ, hơn 100 cây cầu gỗ. Ngoài ra còn lưu trữ rất nhiều sách cổ quí giá.
Ngày 18/10/1860, Viên Minh Viên đã bị Liên quân Anh, Pháp phóng hỏa, đốt cháy trong ba ngày ba đêm. Hơn 300 quan lại trông coi và cung nữ đã bị chết cháy. Tiếp đó năm 1900, nơi này lại bị Liên quân đốt tiếp, khiến di tích chỉ còn lại một bãi hoang tàn đổ nát.
Năm 1950, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai yêu cầu phải giữ gìn khu di tích này. Tuy nhiên từ năm 1960, dân chúng, các cơ quan đã chiếm dụng đất làm nhà, làm vườn. Tới năm 1975, đất trong khuôn viên Viên Minh Viên đều bị lấn chiếm gần hết để xây nhà, công xưởng, trại chăn nuôi... Mãi tới năm 1976, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tiến hành khảo sát và thu hồi lại toàn bộ khu đất thuộc ba khu của Viên Minh Viên và lên kế hoạch xây dựng lại. Vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Chính quyền thành phố Bắc Kinh công bố kế hoạch xây dựng lại Viên Minh Viên. Khi đó có nhiều ý kiến bất nhất, vừa ủng hộ, vừa phản đối.
Những người ủng hộ cho rằng, xây dựng lại Viên Minh Viên thể hiện hình tượng hùng mạnh của đất nước Trung Quốc và qua đó tăng thêm tính tự tôn dân tộc. Những người phản đối lại cho rằng, dù Viên Minh Viên xây dựng lên có hoành tráng, to đẹp nhưng vẫn không phải là “bản gốc”. Tuy nhiên, số ủng hộ đông hơn, nên từ năm 1983, Bắc Kinh bắt đầu xây tường xung quanh để bảo vệ, năm 1984 bắt đầu cho sửa lại một số thắng cảnh và năm 1988 bắt đầu mở lại “Di chỉ Viên Minh Viên” cho du khách thăm quan. Năm 2000 và 2002, Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho công bố “Quy hoạch công viên di chỉ Viên Minh Viên” và “Quy hoạch bảo hộ khu di tích Viên Minh Viên”. Theo quy hoạch, Bắc Kinh xây dựng lại ba khu của Viên Minh Viên từ năm 2002 – 2011. Tới năm 2009, phần lớn di tích Viên Minh Viên được xây dựng lại và đón khách thăm quan. Hiện nay, khu di tích này được liệt vào Di tích bảo hộ quốc gia.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là, kể từ khi Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng lại Viên Minh Viên trên di chỉ cũ thì các địa phương Trung Quốc cũng đua nhau dấy lên “Cơn sốt xây dựng Viên Minh Viên” ở địa phương mình cùng các di tích cổ khác. Điển hình nhất là hai tỉnh Liêu Ninh và Chiết Giang.
Ngay từ đầu năm 2000, Công ty trách nhiệm hữu hạn Viên Minh Viên ở thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh cũng tuyên bố xây dựng lại Viên Minh Viên ở thành phố Thẩm Dương. Trước mắt, họ sẽ đi quyên góp trên 1,8 tỉ NDT để xây dựng lại “Giai đoạn một của Viên Minh Viên”. Tiếp đó, họ sẽ tiến hành quyên góp để hoàn thành toàn bộ công trình. Lúc đầu, dân chúng trong cả nước phấn chấn, cho rằng đây là một “đề xướng có ý nghĩa”, nhưng trong giai đoạn đó, tình trạng các “công ty ma, công ty lừa” mọc lên nhan nhản khắp nơi nên tâm lý của dân chúng Trung Quốc không mấy tin tưởng vào công ty tư nhân nhận xây dựng một công trình vĩ đại hoành tráng như vậy. Vì vậy, không mấy ai dám góp vốn, nên kế hoạch đành “chết yểu”, không thành.
Rút kinh nghiệm từ tỉnh Liêu Ninh, hạ tuần tháng 10/2006, Quỹ phát triển văn hóa Hoa Hạ thành phố Hoành Điếm tỉnh Chiết Giang đưa ra chương trình xây dựng một “Đông Viên Minh Viên” phỏng theo kiến trúc của Viên Minh Viên cổ.
Chiết Giang là một tỉnh tập trung doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể phát triển nhất toàn quốc với nhiều doanh nhân giàu có. Đây cũng là một tỉnh giàu có nhất Trung Quốc. Bởi vậy, các chủ doanh nghiệp tư nhân muốn thể hiện tiềm lực của mình cũng như của địa phương. Rút bài học kinh nghiệm của tỉnh Liêu Ninh, họ đã thông qua Quỹ phát triển văn hóa của tỉnh để quần chúng nhân dân tin tưởng, sẵn sàng góp vốn xây dựng.
Theo quy hoạch, Tổng đầu tư xây dựng “Đông Viên Minh Viên” ở Hoành Điếm, tỉnh Chiết Giang trị giá 20 tỉ NDT (khoảng hơn 3 tỉ USD). Trong số 20 tỉ NDT, chi 6 tỉ NDT cho xây dựng và trang trí nội thất, 14 tỉ NDT cho sưu tầm, phục chế, mua lại các văn vật trong và ngoài nước về trưng bày. Diện tích xây dựng trên 350 hecta, trong đó 40% trên mặt nước. Đông Viên Minh Viên sẽ phỏng theo tỉ lệ 1 : 1 như Viên Minh Viên trước khi bị Liên quân Anh, Pháp đốt cháy, gồm ba khu vườn chính là: Viên Minh, Trường Xuân, Kỳ Xuân (Kỳ Xuân sau đổi thành Vạn Xuân) với hơn 100 khu phong cảnh khác nhau, riêng về cầu nối trong khu vườn tới hơn 100 chiếc. Kiến trúc, hoa văn và kiểu dáng hoàn toàn theo đúng như Viên Minh Viên trước đây. Ngoài ra còn thêm ba khu vườn nữa là Khu vườn cây cảnh kiểu Phương Tây, Khu mê cung Vạn Hoa và Khu Tây dương lầu.
Quỹ phát triển văn hóa tiến hành họp báo công bố kế hoạch trên và kêu gọi cả nước cùng góp vốn xây dựng. Đối với dự án này, dư luận cũng có những ý kiến khác nhau. Ủng hộ có, phản đối cũng có. Phía ủng hộ gồm Học hội Viên Minh Viên Trung Quốc, Cục lưu trữ văn kiện quốc gia, Viện lưu trữ văn kiện trung ương, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và đương nhiên là dân chúng tỉnh Chiết Giang. Bởi lẽ đây cũng là niềm tự hào của các doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể của tỉnh này.
Ông Từ Văn Vinh, 72 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quỹ phát triển văn hóa Hoa Hạ Hoành Điếm chia sẻ, một Viên Minh Viên mới mọc lên ở Chiết Giang là “ước mơ và nguyện vọng tha thiết” mà ông ấp ủ bao năm qua. Việc xây dựng lại một danh lam thắng cảnh này thể hiện sự cường thịnh của đất nước.
Một số học giả cho rằng, một Viên Minh Viên mới nằm ngoài Bắc Kinh là sự đối xứng cả về địa lý và ý nghĩa lịch sử…
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, Viên Minh Viên đã bị Liên quân Anh, Pháp phá hủy cách đây 146 năm. Vì vậy, việc xây dựng lại Viên Minh Viên kể cả ở Bắc Kinh hiện nay dù đẹp, lộng lẫy tới mấy cũng không phải “bản gốc”…
Kiều Tỉnh

Bình luận(0)