Nấu chảy báu vật để... sung công!
Trên các đồ sứ ký kiểu ấy, chồng bà (vua Thiệu Trị) khi phác họa bản vẽ của mình gửi các lò sứ nước ngoài thực hiện đã đặc biệt say mê với tạo hình mỹ thuật theo đề tài "Long vân khánh hội" tức rồng múa lượn trong mây ba màu đậm nhạt. Đến con trai duy nhất của bà (vua Tự Đức) lại thích đưa thơ văn đề vịnh phong cảnh và điển tích lên đó. Tất cả để lại ấn tượng đậm nét trong kho tàng di sản văn hóa mỹ thuật của Huế.
Những đồ trang sức bằng vàng nạm ngọc thu được của kẻ trộm đào dưới mộ bà lên chắc chắn sẽ góp phần giúp hậu thế tìm hiểu nghệ thuật kim hoàn Việt Nam thế kỷ XIX, nhưng tiếc thay chúng đã bị đối xử nghiệt ngã.
Chúng tôi đã điện thoại hỏi nhà văn Nguyễn Đắc Xuân (hiện ở Huế) là tác giả bài điều tra vụ nấu chảy nữ trang của bà Từ Dũ dạo trước và được ông xác nhận sự việc đúng như thế. Ông kể thêm, lúc đầu TAND tỉnh xử sơ thẩm quyết định sung công một số báu vật đang niêm phong tại ngân hàng. Nhưng sau đó, TAND tối cao mở tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lại quyết định thành lập một hội đồng "hóa nghiệm" đồ nữ trang để thu vào hơn 23 triệu 300 nghìn đồng, rồi được trích để "Thưởng cho đơn vị đã phát hiện và bắt được bọn tội phạm, số còn lại theo quyết định của tỉnh nộp 50% vào ngân sách thành phố (Huế) và 50% vào ngân sách tỉnh (Bình Trị Thiên)".
|
Dĩa men màu pháp lam "Ngũ phúc liên hoa" trang trí 5 đóa hoa sen cách điệu theo 5 điều chúc tốt lành đầu năm mới là: Phước, Lộc, Thọ, Khương, Ninh. |
Báu vật đã "hóa nghiệm" gồm những gì?
Câu trả lời phần nào thấy qua một tản văn 4 trang trong tủ sách ở Vân Đường Phủ sau ngày cụ Vương mất. Theo đó, cụ dùng những kiến thức chuyên môn của mình về đồ mỹ thuật vàng bạc (cụ xuất thân trong một gia đình làm nghề kim hoàn) cũng như những công bố của tòa án về các tang vật để phân tích và đưa ra nhận định riêng, tóm lược dưới đây:
Vật thứ nhất là 1 chiếc vòng xuyến kim loại màu vàng. Cụ giải thích: "Theo tôi hiểu xuyến là một nữ trang để đeo nơi cổ tay người phụ nữ. Nói một "vòng xuyến kim loại" là hết sức dè dặt, đáng khen, bởi tôi nhớ lúc trước, trào Pháp họ cũng cẩn thận lắm, đề phòng xảy ra việc kiện thưa rắc rối, nên thay vì gọi "bằng vàng, kim cương, hột xoàn, thủy xoàn", thì họ dùng danh từ "phân hai" (nửa vời) là "supposé or, supposé diamant", có nghĩa "giả thiết cứ cho vật ấy là vàng (supposé or) giả thiết cứ cho vật ấy là kim cương (supposé diamant, supposé brillant) như vậy sẽ tránh việc kiện thưa cãi cọ về sau".
Vật thứ hai là chiếc vòng xuyến kim loại bằng vàng ở giữa có khắc 4 chữ lớn. Cụ Vương nêu câu hỏi: "Tại sao lúc ấy không tìm người phiên âm bốn chữ Hán kia, để hiểu nghĩa là gì, bộ ở Huế đã hết người thông thạo chữ Hán hay sao? Nếu phiên âm rành rẽ, sẽ tránh được sự hờ hững về sau".
Vật thứ ba là 1 chiếc vòng đeo tay kim loại màu vàng có đính 11 hạt lóng lánh. Cụ nhận định:"Đích thị đó là kim cương, vì đời bà Từ Dũ, trong Đại nội còn tích trữ nhiều kim cương, báu vật lắm...". Tiếp đến là 6 chiếc nhẫn bông vàng có đính hạt trắng lóng lánh. Cụ ghi chú: "Đó là kim cương chớ không phải đá tầm thường", 3 hộp kim loại màu vàng, một miếng kim loại màu vàng, trên có nhiều hạt li ti màu trắng, 93 hạt kim loại hình tròn như hạt cườm, theo cụ Vương: "Đó là hạt chuỗi vàng nguyên chất". Một đoạn kim loại vàng uốn cong, 7 chiếc cúc cài áo kim loại màu vàng mà theo cụ "Là những bông cúc bằng vàng thường đơm vào áo quần để gài cho kín"...
|
Nai rượu Tường vân (mây lành). |
Đó là một số nữ trang nằm trong 19 mục các hiện vật đã bị nấu chảy mà theo cụ hãy cứ để nguyên theo chủ đề về trang sức của một bà hoàng Việt Nam rồi "Đem trưng bày trong tủ kính sáng sủa một viện bảo tàng ở Hà Nội hoặc ở TPHCM, có nhiều khách viễn phương đến viếng, để cho dân, cho thợ trong xứ, cho người ngoại quốc theo tin đồn đến xem, thì lợi thu kể sao cho xiết, chớ chỉ nào có mười mấy ký vàng kia". Cụ kết luận: "Việc đã lỡ ra rồi, nay sửa chữa làm sao kịp. Nhè "con gà đẻ trứng vàng" lại đem giết đi như "con gà thịt" để ăn vội ăn vàng vậy sao?".
(còn nữa)
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU