Lời giải cho bí ẩn ngàn năm về trống đồng

Google News

(Kiến Thức) - Tranh luận về việc liệu trống đồng có phải là do người Việt sáng tạo ra hay không đã làm tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu. 

Từ trước đến nay, tranh luận về việc liệu trống đồng có phải là do người Việt sáng tạo ra hay không đã làm tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, những tranh luận này có lẽ đã đến hồi kết khi cuộc khai quật khảo cổ kéo dài từ ngày 10/11/2014 đến ngày 1/1/2015 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phát hiện được hàng chục mảnh khuôn đúc trống đồng tại di chỉ Luy Lâu, huyện Thuận Thanh, tỉnh Bắc Ninh.
Phát hiện trên 50 mảnh khuôn đúc trống đồng
Cuộc khai quật kéo dài gần 2 tháng của Bảo tàng Quốc gia Việt Nam kết hợp với các đồng sự người Nhật Bản là GS Inchenose Kzuo, GS Kinoshita Yasuki, GS Etaya Masahiro... đã phát hiện được rất nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất khẳng định chủ nhân văn hóa của trống đồng là của người Việt cổ. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó thể hiện tính bản địa, tính liên tục, lâu dài và trực tiếp trong sự phát triển của nghệ thuật trống đồng ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam.
Đầu thế kỷ XIX, tác giả người Pháp có tên Heger đã phân trống đồng ra thành các loại như H1, H2, H3, H4. Trong đó, H1 có niên đại sớm nhất, đẹp nhất như trống đồng Ngọc Lũ, còn H2, H3, H4 là ký hiệu của những loại trống có niên đại muộn hơn và hoa văn thưa thớt, toàn vẹn như trống H1. Theo các nhà khoa học thì cuộc khai quật tại Luy Lâu cuối năm 2014 đã phát hiện ra các mảnh khuôn đúc trống đồng loại sớm nhất, đẹp nhất và quý giá nhất.
Loi giai cho bi an ngan nam ve trong dong
Đoàn nghiên cứu khai quật tại di chỉ Luy Lâu (ảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). 
Nghiên cứu sinh Trương Đắc Chiến, người chủ trì cuộc khai quật ở Luy Lâu cho biết: Địa điểm khai quật lần này chỉ cách khu vực mà nhà nghiên cứu người Nhật Bản Nishimura tìm thấy mảnh khuôn đúc trống đồng năm 1999 20m. Hố đào lần này có diện tích 3,5m2 (3,5 x 1m) được mở ngay trong lòng mương. Trước đây, lòng mương sâu hơn bề mặt hiện tại 70 – 90cm. Nhưng do người dân địa phương trong khi đào ao thả cá đã đổ đất vào lòng mương tạo nên bề mặt bằng phẳng như hiện tại. 
Diễn biến địa tầng ở đây cho thấy. Trên cùng là lớp đất bề mặt dày 3 – 5cm. Tiếp đó là lớp đất sét màu nâu nhạt lẫn nhiều rễ cây, nilon và mảnh gạch, ngói muộn dày đến 90cm. Tiếp đến là lớp đất màu nâu, bên trong có các mảnh gạch, ngói màu đỏ, dài khoảng 10cm ken khá dày. Phía dưới lớp này có đất màu xám chứa ngói vụn, dày khoảng 10 – 20cm. Tiếp nữa là lớp đất màu đen xám dày 30 – 60cm. Dưới lớp này người ta thấy đất sét và cát pha lẫn than tro màu đen, độ dày khoảng 20 – 30cm. Đây chính là vị trí phát hiện được các mảnh khuôn đúc trống đồng. Đoàn khai quật đào đến đây thì gặp phải nền đất cứng, liên tục bị ngập nước nên đoàn khai quật quyết định rải nilon và lấp đất để năm sau có thể mở rộng khai quật, nghiên cứu.
Mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy ở độ sâu từ 1,8 – 2,0m, phân bố hầu như khắp bề mặt hố nhưng tập trung nhiều nhất ở phía Nam. Đoàn khai quật đã thu được hơn 50 mảnh khuôn trống đồng bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn như: Vòng tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song, hoa văn bông lúa... Mảnh khuôn ngoài thường có màu đỏ hoặc đỏ nhạt trong khi mảnh khuôn trong thường có màu xám và đặc.
Loi giai cho bi an ngan nam ve trong dong-Hinh-2
Sơ đồ dựng lại khuôn đúc trống đồng. 
Mảnh khuôn to nhất tìm được tại đợt khai quật này có kích thước chiều dài 18,0cm, rộng 9,0cm, dày 6,5cm và không trang trí hoa văn. Mảnh này có lẽ là khuôn phần chân trống. Ngoài hơn 50 hiện vật là khuôn đúc trống đồng, các nhà khoa học còn tìm được những hiện vật rất quan trọng như phễu rót đồng, chốt định vị trục... 
Dựa vào những hiện vật phát hiện được cùng trong một địa tầng như mảnh gốm in hình ô vuông, đầu ngói ống... các nhà khoa học cho rằng, khuôn này có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ IV sau Công nguyên.
“Rất quý giá”
Theo thông tin của các nhà khoa học thì từ trước đến nay ở Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo nói chung rất ít khi phát hiện được hiện vật là khuôn đúc trống đồng. Năm 1999 tại Việt Nam, GS Nishimura người Nhật Bản cùng với các đồng sự Việt Nam đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu. Đây chỉ là mảnh khuôn đúc kích cỡ nhỏ nhưng đã mở ra bước ngoặt cực lớn trong việc định vị chủ nhân văn hóa của trống đồng. Ngoài ra, ở vùng Đông Bắc của Thái Lan cũng phát hiện được vài mảnh khuôn nhỏ. Nhưng điều đó chưa đủ mạnh mẽ để khẳng định ai là chủ nhân thực sự của trống đồng.
Loi giai cho bi an ngan nam ve trong dong-Hinh-3
Vị trí phát hiện hơn 50 mảnh khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu lần này chỉ cách vị trí phát hiện năm 1999 của GS. Nishimura khoảng 20m (đoạn khoanh vòng màu đỏ). 
PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Trước đây, việc định vị chủ nhân của trống đồng mới chỉ dừng lại ở mức giả thuyết. Các nhà nghiên cứu của Pháp và Trung Quốc cho rằng tuy  người Việt sử dụng trống đồng, nhưng kỹ thuật đúc ra nó là của người Trung Quốc. Họ tin rằng, Trung Hoa là một nền văn hóa lớn, có kỹ thuật phát triển. Do vậy việc sáng tạo ra kỹ thuật đúc trống đồng cũng là đương nhiên và người Việt chỉ là thừa hưởng lại các thành quả đó. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, chủ nhân văn hóa trống đồng là của người Việt. Kỹ thuật đúc trống đồng là do người Việt sáng tạo ra, nó mang tính bản địa, liên tục và lâu dài. 
Đến năm 1999 khi mà GS Nishimura phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng tại di chỉ Luy Lâu đã làm cho cả giới khoa học ngỡ ngàng vì nó gần như là câu trả lời cho các tranh cãi. Mảnh khuôn đúc cho thấy, chủ nhân làm ra trống đồng, kỹ thuật đúc trống đồng là do người Việt cổ sáng tạo ra chứ không phải của người Trung Quốc. Tuy nhiên, mảnh hiện vật lại có kích thước nhỏ, rời cho nên, giới nghiên cứu theo giả thiết chủ nhân trống đồng của người Trung Quốc vẫn còn chút nghi ngờ. Thế nhưng, đợt khai quật mới đây đã phát hiện hơn 50 hiện vật là khuôn đúc trống đồng. Đây là phát hiện rất quý giá, gạt bỏ tất cả các nghi ngờ, nó khẳng định chính xác hơn, đanh thép hơn một lần nữa về việc chủ nhân trống đồng là của người Việt.
“Trước đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 40 địa điểm Đông Sơn có vết tích cũng như công cụ và dụng cụ dùng để chế luyện và đúc kim loại. Nhiều địa điểm tìm thấy khuôn đúc bằng đá làng Cả, tỉnh Phú Thọ, làng Vạc tỉnh Nghệ An, đền Thượng, Cổ Loa. Nhiều địa điểm tìm thấy muôi dùng để đổ kim loại, lò nung, nồi nấu, khuôn đúc cùng những sản phẩm đã được đúc ra theo hình mẫu khuôn như rìu, đục, mũi dao găm... Nhưng đến năm 1999 mới phát hiện được khuôn đúc trống đồng và thời điểm hiện tại đã phát hiện được khối lượng lớn hiện vật là khuôn đúc trống”.
PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam)
Quách Dương

Bình luận(0)