Bí ẩn núi lạ thờ tướng “tự phát sáng“

Google News

(Kiến Thức) - Trên đỉnh núi này còn hình tượng chim đại bàng vẫy cánh, biểu tượng của tướng Dương Tự Minh với giai thoại tự phát sáng khi vừa chào đời.

Núi Đuổm thuộc xã Động Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên) được coi là ngọn núi lạ giữa dải đất bằng phẳng. Nhưng ít ai biết, trên đỉnh núi này còn hình tượng chim đại bàng vẫy cánh, biểu tượng của tướng Dương Tự Minh với giai thoại tự phát sáng khi vừa chào đời.
Núi thiêng xứ Thái
Từ TP Thái Nguyên qua thị trấn Đu (Phú Lương) chỉ vài cây số về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 3, nổi lên giữa đồng lúa Động Đạt là một dải núi đá uy nghiêm sừng sững. Điểm Sơn, tục gọi là núi Đuổm với thành núi dựng đứng nhấp nhô gồm 6 ngọn.
Nhưng Đuổm còn nổi tiếng bởi có đền Đuổm xây dựng từ thế kỷ thứ XII trên sườn núi thờ vị thủ lĩnh phủ Phú Lương thời nhà Lý. Lần giở lịch sử mới thấy phủ Phú Lương xưa rộng bao quát khắp một vùng phía Bắc nước ta gồm: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và một phần Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn ngày nay.
Từ xa xưa, núi Đuổm đã được các cao nhân coi là linh sơn xứ Thái. Với thế phong thủy hội đủ 4 yếu tố: Tiền Chu tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Chính vì thế, đền Đuổm đã được chọn để xây dựng trên ngọn núi này như để vị thủ lĩnh mãi bảo vệ vùng đất thiêng.   
Truyền thuyết ở xứ Thái kể rằng, ngày tướng Dương Tự Minh chào đời, có một con đại bàng khổng lồ bay về núi báo hiệu tin vui. Sau này, khi tướng Dương Tự Minh lập chiến công và qua đời, người dân đã lập đền thờ và tục truyền dựng tượng đại bàng trên đỉnh núi.
Tượng chim đại bàng - biểu tượng của tướng Dương Tự Minh. 
Người tự phát sáng
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng ban Ban Quản lý Di tích danh thắng đền Đuổm cho biết, trước cổng đền hiện còn hai câu đối từ thế kỷ XII để lại: Quan Triều hiển thánh thiên thu tại/Động Đạt giáng trần vạn cổ hinh. Nghĩa của đôi câu đối ấy nói về Dương Tự Minh, người được phong thánh ở ngọn Đuổm Sơn này.
Dã sử kể lại rằng, khi Dương Tự Minh chào đời, toàn thân phát sáng như có ánh hào quang chói lóa một vùng. Người cha thấy việc lạ lùng ấy mới đặt cho con một cái tên là Tự Minh (tức tự mình phát sáng). Lại thấy trong giờ khắc Dương Tự Minh ra đời, có cả bầy chim đại bàng tung cánh quanh ngôi nhà sàn, nên người cha tiên đoán con mình sau này sẽ làm nên nghiệp lớn.
Lịch sử đều ghi nhận Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh và lớn lên ở Quan Triều dưới thời ba đời vua nhà Lý là Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông. Là thủ lĩnh nhưng Dương Tự Minh vẫn coi mình là thành viên bản làng, cùng dân đi cày, đi bắt cá và không có bất cứ một lãnh địa hay nô tỳ riêng nào.
Chính vì thế, ông rất được lòng dân, được nhà Lý tin tưởng chọn làm sứ thần sang Trung Quốc đàm phán yêu cầu trả lại vùng đất Quảng Nguyên. Với những công lao lập được, Dương Tự Minh là người duy nhất được nhà Lý gả cho hai nàng công chúa là Thiều Dung và Diên Bình.
Sử cũ chép rằng, năm 1145, Đàm Hữu Lượng, một tù trưởng đất Tống đem quân sang chiếm châu Tư Lang, chiêu quân xuống chiếm Quảng Châu. Vua Lý Anh Tông xuống chiếu cho Phò mã Dương Tự Minh đón đánh quân địch. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ đại quân của Đàm Hữu Lượng đại bại. Hơn 100 năm sau, nhà Tống không dám lăm le và phải công nhận nền độc lập của Đại Việt.
Hàm Long - một biểu tượng thiêng của núi Đuổm.  
Thánh Đuổm trị tà
Ông Nguyễn Thế Hiệp lần giở lịch sử và cho biết, năm Đại Định thứ 11, tức năm 1150, các tướng lĩnh chỉ huy các đội quân cấm vệ như Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Phò mã Dương Tự Minh thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền nên bàn sự trừ khử. Tuy nhiên, sự không thành nên Dương Tự Minh bị bắt đi đày rồi sống những năm cuối đời dưới chân núi Đuổm và mất ở đây. 
Dân gian lưu truyền, sau này khi Dương Tự Minh trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương quê ông để trút bỏ hết bụi trần. Sau đó, ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Sau này, triều Lý truy phong Dương Tự Minh làm "Uy Viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần", nhiều triều đại phong kiến đã ban sắc phong là "Thượng đẳng thần". Nhân dân địa phương đã tôn Dương Tự Minh làm Đức Thánh, xây đền thờ ông ở núi Đuổm mà sau này được gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm.
Ông Nguyễn Thế Hiệp nói đền còn giữ được một số sắc phong cổ. 
Ông Nguyễn Thế Hiệp kể một giai thoại xa xưa mà Thánh Đuổm trừ tà giúp dân lành. Chuyện là năm đó tất cả các sông suối đều đục ngàu, không tài nào có thể tắm rửa sinh hoạt. Mọi người kéo nhau lên đền mới được Thánh Đuổm cho biết có tà thần làm hại. Theo lời Thánh Đuổm, dân làng đã làm theo mẹo thần và quả nhiên bắt được 3 con thuồng luồng thân như cây cau già, da vẩy xù xì, mào như chiếc quạt đỏ.
Bà Trần Thị Mai, Thủ nhang đền Đuổm cho biết: "Hiện nay, trong hậu cung còn giữ được một pho tượng cổ tạc tướng Dương Tự Minh từ thế kỷ XII bằng gỗ mít. Đền cũng giữ được một số sắc phong cổ chứng minh công lao của Phò mã Dương Tự Minh".
Đền thờ Phò mã Dương Tự Minh xây lưng chừng núi Đuổm. 
"Pháo đài" núi Đuổm
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng ban Ban Quản lý Di tích danh thắng đền Đuổm cho hay: "Đền và núi Đuổm không chỉ là di tích xa xưa mà từng là một pháo đài kiên cố để đánh bại kẻ thù. Xưa kia, Dương Tự Minh đã dùng núi Đuổm là nơi hội quân, tích trữ lương thảo, vũ khí".
Cũng theo ông Hiệp, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã sử dụng núi Đuổm không chỉ như một pháo đài bất khả chiến bại, mà còn đặt pháo trên đỉnh núi để chống trả máy bay kẻ thù.
Núi Đuổm cũng trở thành một trong những địa điểm dừng chân của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến căn cứ ATK và bàn những việc tối mật. Chính vì thế, quần thể di tích đền Đuổm không chỉ có ý nghĩa văn hóa tâm linh, mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử trong công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Bà Trần Thị Mai cho biết, mỗi năm có hàng vạn lượt khách thập phương đến với đền. Ngoài phong tục tín ngưỡng thờ thần, du khách đến đây còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và huyền bí của núi Đuổm với hang Sữa, giếng Dội, dòng Giang Tiên với những câu chuyện đã trở thành huyền thoại ở đất chè xứ Thái.
"Hiện nay, đền Đuổm còn giữ được tượng gỗ mít cổ tạc tướng Dương Tự Minh cùng một số sắc phong cổ của các triều đại. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được một bát hương bằng đất sét từ thế kỷ thứ XII. Với ý nghĩa lịch sử và cảnh đẹp hiếm có của núi Đuổm, năm 1993 Bộ VH-TT&DL đã công nhận đây là Di tích danh thắng Quốc gia cần được bảo vệ".
Ông Nguyễn Thế Hiệp (Trưởng ban Ban Quản lý Di tích danh thắng đền Đuổm)
Trần Hòa

Bình luận(0)