Làng đánh gậy

Google News

"Cả nước Việt Nam chỉ có một làng đánh gậy là Vũ Hạ mà thôi. Nhưng quý giá hơn là đến bây giờ, làng vẫn giữ được thế võ ấy".

- Đó là làng độc nhất vô nhị với thế võ cổ truyền "đánh gậy" còn lưu giữ được từ thời Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sau đất võ Bình Định, làng đánh gậy đang được vinh danh để bảo tồn thế võ cổ xưa chứa đựng những tuyệt kỹ tinh hoa võ học này.

Vì sao cả làng đánh gậy?

Cầm cuốn sử làng dày cộp trong tay, ông Nguyễn Văn Triển, trưởng thôn làng Vũ Hạ, xã An Vũ, Quỳnh Phụ, Thái Bình tỉ mỉ lật giở từng trang vàng của làng thuần nông nghìn đời nay mà tự hào: "Cả nước Việt Nam chỉ có một làng đánh gậy là Vũ Hạ mà thôi. Nhưng quý giá hơn là đến bây giờ, làng vẫn giữ được thế võ ấy".
 
Tết đến là khi cả làng đắm chìm trong tinh hoa võ thuật.
Tết đến là khi cả làng đắm chìm trong tinh hoa võ thuật.

Theo sử sách ghi lại, làng Vũ Hạ xưa có tên là Mụa thuộc hương A Cảo, phủ Long Hưng. Làng là nơi dừng chân của Hưng Đạo Đại Vương trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Chính tướng Trần Hưng Đạo đã ra "chỉ thị" cho quân sĩ tập hợp tại làng Mụa để rèn quân, thao tập thế trận. Ngày nay, làng Vũ Hạ còn truyền lại những bài thơ hay về phong trào ấy như lời hịch trước khi ra trận:Tập trận rèn quân nơi ấp Mụa/Năm Bính Thìn nổi tiếng vang xa/Bắt sống cướp/Giải về đình, dân ra xem mặt/Sang năm Đinh Tỵ/Võ trường khai mạc/ Giai, gái, tứ giáp, tứ khu/Cung kiếm trong tay/Gậy ba, gậy bảy/Luyện tập đêm ngày...

Ngày ấy, dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương, cả làng Mụa không phân biệt nam - phụ - lão - ấu, tất cả đều hồ hởi đi tập võ gậy với hai mục đích: Đánh đuổi quân Nguyên Mông và bảo vệ làng nước, gia đình. Lịch sử còn ghi chép khá rõ ràng về làng Mụa rằng, họ ngày đêm thao luyện không kể lúc mặt trời lên, mặt trời xuống. Họ còn tham gia đánh trận Bạch Đằng giết vạn quân giặc.Tinh hoa "võ gậy"

Theo tinh hoa võ học, gậy là một trong những vũ khí thuộc nhóm côn quyền. Vì vậy, ngay từ lúc được nhà Trần truyền dạy, người làng Mụa đã chọn và học đánh gậy. Ở làng Mụa bây giờ, già trẻ, trai gái ai cũng biết đánh gậy. Các thế võ cổ được biến hóa rất tài tình. Cụ Đỗ Lộng năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và quắc thước lắm. Cụ còn nhớ và biểu diễn được tất cả 99 thế võ độc đáo với cây gậy dài 3m đã ngả màu thời gian. Cụ từng được dân làng mệnh danh là "vua gậy" bởi nhiều lần đánh đuổi bọn trộm cướp vào làng hoành hành. Hơn nữa, cả làng Mụa không cao thủ nào có thể chạm vũ khí vào người "vua gậy" khi giao đấu.
Tết đến xuân về là dịp các cao thủ võ gậy làng Vũ Hạ gặp mặt bàn chuyện tập luyện cho lớp trẻ. Tết cũng là dịp để các võ sĩ thi tài cao thấp. Họ có thể là già, có thể là trẻ, miễn tinh thông 99 thế võ đều được chấp nhận lên võ đài và thi đấu với tất cả lòng tự trọng của tinh thần võ học.
Ông Nguyễn Thế Hỷ, là một cao niên trong làng hiện đang phụ trách luyện tập võ gậy cho giới trẻ và cũng là một trong những chuyên gia võ thuật của Liên đoàn võ thuật Việt Nam cho biết: "Chỉ có ở làng Mụa mới giữ được các thế võ gậy cổ xưa. Ở Trung Quốc, một số cao thủ Thiếu Lâm cũng giữ được nhiều thế võ giống với võ gậy làng Mụa nhưng họ đã dần biến đổi".

Ông Hỷ bật mí: "Khi đánh gậy, một tay cầm chắc vũ khí, một tay ngửa lên, co một chân lấy thế. Đánh phải dồn đối thủ vào tình thế rối ren, sau đó chỉ một đòn của gậy vào chỗ hiểm là coi như kẻ trúng gậy gục ngã".

99 thế võ tinh hoa của gậy nghe rất mỹ miều như: Công phượng hùng không, thân thế phóng yên, uyển thế phong lưu, lục gậy ác quái... được phát huy tuyệt đỉnh trong mỗi thế đánh khi ra đòn. Ngày trước, "vua gậy" Đỗ Lộng chỉ cần dùng một đòn có thể hạ hai đối thủ to con khác.Hiện, làng Mụa đang truyền dạy võ gậy cho các em thiếu nhi với mong muốn con em họ sớm được sở hữu và phát huy tinh hoa của các thế võ tuyệt vời này.

Cỏ biến thành gậy, gậy biến thành đao

Ông Hỷ cho biết, cao thủ làng võ gậy như cụ Đỗ Lộng có thể biến cỏ thành vũ khí lợi hại không kém gì các binh khí được rèn giũa khác. Năm 1969, một toán cướp từ Hải Phòng xuống làng Vũ Hạ gây hấn ngoài cánh đồng. Khi ấy, chỉ có cụ Đỗ Lộng và vài người đi thả trâu ngoài đê. Toán cướp tưởng dễ hạ đối thủ nên chủ quan, đã bị "vua gậy" dùng lùm cỏ cuốn lại thành một cây gậy cứng đánh cho tơi tả.
 
Các cao niên cũng tham gia nhiệt tình.
Các cao niên cũng tham gia nhiệt tình.

Không dừng lại ở đó, những cây cỏ gừng (loại cỏ thân dài - PV) luôn được các cao thủ làng Mụa xem như "bùa hộ mệnh" mỗi khi giao chiến mà không có vũ khí. Họ nhanh chóng tết các cây cỏ thành cây gậy dài hoặc côn nhị khúc. Đó là bài học đầu tiên của các đệ tử võ gậy trước khi được truyền dạy các tuyệt kỹ khác.

Cụ Đỗ Lộng không giấu giếm, nếu đánh giỏi một cây gậy có thể biến thành một cây đao hoặc thanh long đao lợi hại. Vì khi dùng thủ thuật đánh dọc, một vật cứng sẽ bị chẻ làm đôi như khi bị đao chém phải. Tuy nhiên, cụ Lộng cũng thành thật, đánh gậy rất khó khi gặp đối thủ cầm chùy, vì cao thủ chùy thường xuyên dùng thuật "phóng đạn" nên chỉ những võ sĩ cực giỏi gậy kết hợp dịch cân kinh nhuần nhuyễn mới có thể hạ đối thủ bằng một đòn duy nhất.

"Tỉnh Thái Bình và chính quyền địa phương công nhận võ gậy là văn hóa phi vật thể cần bảo tồn nên hàng năm, người Vũ Hạ có lễ hội đánh gậy rất ấn tượng, thu hút được cao thủ từ khắp nơi đổ về. Tuy nhiên, chúng tôi cần xây dựng một đề cương lý luận và bản quyền riêng cho các thế võ tuyệt kỹ này để đảm bảo không bị thất truyền, giữ được bản sắc riêng của võ gậy cổ".       

Ông Nguyễn Tiến Dũng (chủ tịch UBND xã An Vũ)


Thái Hòa
[links()]

Bình luận(1)

Minh Hiền

nguyễn thành văn

THEO TÔI ĐÁNH VÕ THUẬT HIỆN ĐẠI BỌN MA GIÁO THƯỜNG DÙNG CHIẾN TRANH ĐIỆN TỪ VÀ HỆ THỐNG TRUYỀN ÂM BẢO VỆ CHÚNG VÀ MỘT SỐ THỦ THUẬT XẤU KHÁC.