Ký ức về người đặt nền cho ngành phát thanh Việt Nam

Google News

Ít ai biết được người đặt nền móng cho ngành phát thanh Việt Nam lại bắt nguồn từ người thợ sửa chữa radio trên phố Hàng Bài, Hà Nội

- Cho đến nay, ít ai biết được người đặt nền móng cho ngành phát thanh Việt Nam lại bắt nguồn từ người thợ sửa chữa radio trên phố Hàng Bài, Hà Nội. Là chủ cửa hàng sửa chữa radio lớn nhất của Hà Nội, ông Nguyễn Dực - người con thứ 8 của cụ Nguyễn Văn Vĩnh vẫn như một ẩn số chưa được mấy người biết tới.

Ông chủ cửa hàng Radio 43 Hàng Bài

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có 16 người con. Trong đó có nhiều người nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Giang, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhà tình báo quân đội Nguyễn Phổ, luật sư Nguyễn Phùng, người được đặt tên cho một con đường ở thành phố Montpellier nước Pháp.

Nhưng đến nay ít ai biết được người con thứ 8 của cụ là Nguyễn Dực, là người có công rất lớn trong những ngày đầu tiên xây dựng Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam.
 
T10-xay.jpg
Ông Dực (ngoài cùng bên phải) trong hội cựu Hướng đạo sinh do cụ Hoàng Đạo Thúy là trưởng hội.

Ông Nguyễn Lân Bình, con trai của ông Nguyễn Dực kể: "Lúc thiếu thời bà nội tôi muốn cho cha tôi học trường Albert Sarraut nhưng cha tôi lại muốn học kỹ nghệ, vậy là trái ý bà tôi. Trường Albert Sarraut là trường chính thống, cho những con cái của gia đình khá giả vào học. Còn trường Kỹ nghệ thực hành chỉ dành cho con cái gia đình khó khăn muốn lập nghiệp bằng nghề.

Cha tôi học kỹ nghệ cùng lớp với ông Phạm Duy, Trần Hữu Dư. Ông Phạm Duy sau trở thành nhạc sĩ nổi tiếng và còn là Bộ Trưởng Văn hóa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Còn ông Trần Hữu Dư là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1967.

Những năm học trong trường Kỹ nghệ thực hành, cha tôi kết thân với một người Hoa kiều có tên là Kỳ Anh Xô, nhà ở phố Hàng Cót chuyên nghề radio. Ảnh hưởng của ông Xô tới cha tôi rất lớn.

Cha tôi yêu thích nghề sửa chữa radio và đã cùng người em ruột là Nguyễn Hồ lập ra cửa hàng radio Nguyễn Dực ở 43 Hàng Bài, Hà Nội. Đó là năm 1941".
 
T10-xay2.jpg
Ông Nguyễn Dực - người con thứ 8 của cụ Nguyễn Văn Vĩnh vẫn như một ẩn số chưa được mấy người biết tới..

Cần phải có Đài phát thanh Dực ạ!

Tại chính cửa hàng này đã thường xuyên có mặt những nhân vật mà sau này đều là những gương mặt quan trọng trong Tổng bộ Việt Minh như: Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy... Sự giao du hoàn toàn theo tinh thần bè bạn vì một phần các ông cùng học trường Kỹ nghệ và mặt khác, là các bạn trong tổ chức Hướng đạo sinh, ông tham gia theo đề nghị bạn bè vào đội ngũ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945.

Cha tôi nhận trách nhiệm đưa toàn bộ máy móc và thiết bị âm thanh của cửa hàng chuẩn bị cho ngày 17/8/1945 ở Nhà hát lớn tổ chức cuộc mít tinh của viên chức Thủ đô, sau đó đã biến thành ngọn lửa Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng và ông Trần Lâm đều ở trong Ban tổ chức buổi mít tinh lịch sử đó.

Sau sự kiện này, Tổng bộ Việt Minh đã đề nghị cha tôi theo tinh thần: sắp có nhiều thay đổi, sẽ thành lập nước Việt Nam mới, việc này phải làm sao cho quốc tế biết nên cần phải có Đài phát thanh Dực ạ!

Vậy là chỉ trong 2 ngày 23 và 24/8/1945, cha tôi đã cùng với một người bạn thân tên là Nhung mà lúc bé cả nhà tôi quen gọi là cụ Nhung, làm việc liên tục nhằm hoàn thành nhiệm vụ do tổ chức yêu cầu. Ngày 25/8, hệ thống phát thanh đã hoàn thành với một dàn ăngten trên nóc nhà Sở Thông tin Tuyên truyền Bắc bộ ở phố Nguyễn Xí bây giờ.
 
T10-xay1.jpg
Ông Dực (ngồi giữa) cùng gia đình tại 43 Hàng Bài, Hà Nội.

Anh Dực ơi, bắt tốt và nghe rõ lắm

Tôi nhớ lúc đó cha tôi đã hỏi tôi: "Bình có biết dàn ăngten dài bao nhiêu mét không? 41m Bình ạ!"
 
8h40 phút sáng hôm đó ngày 25/8/1945, cha tôi thử máy, cha tôi kể: Cha nói vào micrô: Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội trên làn sóng điện 41m, đề nghị các địa phương khi bắt được tín hiệu xin báo về địa chỉ...

Cha tôi nói, cứ 30 phút cha lại nhắc lại như vậy, giữa các lần đọc như thế, cha phát toàn nhạc cổ điển. Hồi đó cha nhiều đĩa hát lắm... nhưng chỉ dám dùng nhạc giao hưởng thôi.

Chiều hôm đó, ông Trần Kim Xuyến, Thứ trưởng của Bộ Thông tin tuyên truyền sau mùng 2/9/1945 về đến nơi hét toáng lên: Anh Dực ơi, bắt tốt và nghe rõ lắm. Cứ như vậy 2 ngày sau, cha tôi lại nhận lệnh giao lại cho anh em khác và cha tôi xuống Nam Định tổ chức cướp chính quyền. 28/8/45, cha tôi đang tham gia tiếp quản chính quyền ở Nam Định lại nhận được lệnh về Hà Nội có việc gấp. Tổng bộ Việt Minh đề nghị, phải gấp rút nhận lệnh từ ông Nguyễn Hữu Đang chuẩn bị máy móc và thiết bị truyền thanh cho một cuộc mít tinh lớn lắm... Đó chính là Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9.

Rồi 9 năm kháng chiến, cha tôi lại khăn gói cùng các thiết bị kỹ thuật của chính mình vào khu Bốn để xây dựng Đài Phát thanh Liên khu Bốn, lên Việt Bắc công tác trong Nha liên lạc Thủ tướng Phủ... trở lại Hà Nội đúng ngày 10/10/1954.
 
Bị kết án tử nhưng thoát chết

Năm 1955, ông Dực bị dân quân bắt và kết án tử hình ở làng Bái Ân (làng Bưởi) trong cải cách ruộng đất.

Ông Bình kể: "Chuyện này đến mãi sau này cha tôi mới kể. Ông bị bắt do một loạt thửa ruộng ở Bái Ân đứng tên ông. Vào buổi tối trước hôm xử bắn theo lịch công bố, có hai du kích đến mở khóa cho ông. Họ đi 4 người nhưng có 2 người vào mở khóa.

Lúc này cha tôi run bắn vì nghĩ mai mới là ngày xử tử, tại sao hôm nay có người đến đưa đi sớm vậy? Cha tôi định kêu lên thì hai người này nói im, đi theo họ ra đầu làng.

Khi ra đến đầu làng hai du kích kia quay lại trao đổi gì đó rồi họ quay vào làng, hai cán bộ mặc thường phục dắt cha tôi đi men theo hồ Tây. Đi được quãng đường rất xa, thấy im ắng họ mới nói: Tại sao ông ra nông nỗi này? Chúng tôi đi tìm ông theo chỉ thị của ông Tố Hữu mấy ngày rồi...

Cha tôi thoát chết và được đưa về để giải quyết một phần kỹ thuật cho Đài Tiếng nói VN. Cũng từ đó cha tôi được phân vào phụ trách phần bá âm của đài".   
 
Theo dòng kỷ niệm của ông Nguyễn Lân Bình, may sao các anh em kịp tìm thấy cha ông để cha ông được sống với nghề yêu thích của mình. Được đi theo cha từ bé, ông Bình có nhiều cơ hội tháp tùng đoàn nhạc của Đài. "Các bài hát nhạc hiệu và bài quốc ca không được thu âm tại 58 Quán Sứ như bây giờ mà phải mang vào Nhà hát lớn, đặc biệt là rạp Majestic (rạp Tháng 8 bây giờ) để thu do ở đó có hệ thống cách âm rất tốt", ông Bình nói.

Khánh Thủy (ghi)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Huy

Biet on mot nguoi cha cua nen van hoa da giup nhung 5X, 6X chung toi thanh nguoi.

"Day la dai tieng noi VN. phat di tu Hanoi, thu do nuoc VNDCCH",
Da ngam vao mau thit.